Seiten

Freitag, 21. Dezember 2012

Đất khách


Nước Đức mang tiếng khắt khe cho vấn đề di dân và nạn phân biệt chủng tộc cũng không ngừng phát triển. Thế nhưng, những người nước ngoài đủ loại mầu da, quốc tịch, vẫn cứ cố gắng tìm cách vào Đức và ở lại. Rồi họ đòi hỏi quyền lợi, chửi những nhà chính trị ra luật quá khắt khe, chê dân Đức ngu như lợn và phẫn nộ khi không được được đối xử “công bằng”?! Họ sẵn sàng nổi khùng vì một câu nói (đôi khi do không hiểu biết, hay vô tình thuận miệng cuả một ai đó- tất nhiên cũng không tránh khỏi những kẻ có ý xấu, nhưng bạn hãy nhìn theo hướng tốt đi, vì nước nào, ở đâu mà không có những kẻ xấu xa ?). Đám thanh niên thì sẵn sàng đánh nhau vì một ánh mắt hay một thái độ (có vẻ) coi thường của mấy chàng cùng trang lứa. Người lớn tuổi thì vốn ít muốn hoà nhập vào nước sở tại, nhưng lại dễ nổi tự ái, hay suy luận lan man, động một chút thì cho rằng mình bị coi thường vì mình là người nước ngoài…v…v….
Và cứ theo đà suy nghĩ như thế, người nước ngoài thì tự ti hay căm phẫn và co lại tự vệ, họ không muốn giao tiếp với người bản xứ, dù hàng ngày họ vẫn cười nói, bán hàng cho dân Đức, kiếm lợi nhuận từ chính đồng tiền cuả người Đức. Họ sinh hoạt riêng theo cung cách và thói quen cuả dân tộc họ, bất kể người Đức có khó chịu hay không. 
Còn người Đức thì kỳ vọng vào sự “Hội nhập” của người nước ngoài trong xã hội Đức mãi mà không được, quay sang coi thường, ghét bỏ và muốn tẩy chay.

Tôi cũng là 1 người Việt nam có điều kiện được sang đây đi học khi còn rất trẻ. Rồi trở lại Việt nam và sau đó đi thi và quay lại đây làm đội phó, phiên dịch cho 1 đội lao động. Tôi vốn dĩ cởi mở, hoà đồng, lại có chút năng khiếu nghệ thuật nên có điều kiện tiếp xúc với đủ loại hạng người: Từ Tổng giám đốc, Giám đốc, các chủ doanh nghiệp lớn, giới nghệ sĩ, nhà báo……cho tới những con người bình dị và còn nghèo hèn nữa, những đưá trẻ ngoan ngoãn và cả những thanh niên lười biếng bỏ học, chán đời bất cần…. Và vốn là một doanh nghiệp ngay từ những ngày đầu tiên, khi nước Đức mới thống nhất, nên cũng có nhiều khi phải “cọ sát” với đám thanh niên “đầu trọc”- người ta gọi là “phát xít mới” thiên về bảo thủ (cực hữu), muốn nước Đức chỉ cho người Đức. Hay đám thanh niên “cực tả” Hippy, đầu tóc chẳng giống ai, xanh đỏ dựng ngược, xỏ tai xỏ mũi….Mặc dù vậy, tôi không thấy sợ và hầu như mọi vấn đề đều được giải quyết ổn thoả, dễ dàng bằng sự cố gắng thuyết phục  một cách hoà nhã cuả chính bản thân mình.
Tôi có lượng khách hàng trung thành khá lớn và cũng may mắn được tất cả hàng xóm láng giềng tốt, luôn sẵn sàng giúp đỡ khi cần. Mặc dù do hoàn cảnh, tôi cũng đã chuyển nhà 3 lần cho đến khi thật sự an cư.

Cũng có thể tôi đã gặp may chăng? Nhưng nhìn lại những gì mình đã trải qua, nhìn ra xung quanh, tôi thiết nghĩ: Muốn sống thoải mái trên đất nước người, muốn lấy được lòng người dân nơi mình sinh sống và thành đạt,  trước hết Bạn phải biết “nhập gia tùy tục” đã. Phải thạo tiếng để trình bày nguyện vọng một cách trôi chẩy, phải tôn trọng nề nếp phong tục cuả dân bản xứ. Không hoà nhập nổi với nền văn minh và phong tục cuả họ, thì chớ vội đòi hỏi họ “phải hiểu và chiụ đựng” mình, chưa nói còn “phải coi trọng” mình nữa.
Hãy thử tưởng tượng nhé! Nhà riêng cuả bạn, bỗng dưng đêm hôm có người gõ cưả, cầu xin sự giúp đỡ vì con nhỏ và lỡ độ đường, lại còn đang đói nữa. Dù miễn cưỡng, bạn cũng đành cho họ vào- chứ không lẽ đuổi đi thì thất đức quá! Họ vào nhà bạn, tưởng ở nhờ 1 hôm, chẳng dè thấy ấm cúng, sạch sẽ, no đủ quá, họ cứ nấn ná rồi ở hoài- Như vậy đã làm bạn khó chịu chưa? Có lẽ  do tính nhún nhường và lòng nhân đạo, bạn còn chiụ được, (hay là gắng chiụ), và cầu trời cho một ngày nào đó họ ra đi sớm.
Nhưng họ không những không đi và không chỉ ăn ở yên lành, mà họ còn khuân về đủ thứ rác rưởi, bia bọt, rồi ăn uống nhồm nhoàm, cười nói bô bô, mở đài, tivi xả dàn, đi đêm về hôm lung tung, lôi thêm nhiều bạn bè, người thân đến nưã mà không cần biết chủ nhà có đồng ý không, và mặc nhiên coi đó là „trách nhiệm“ phải cưu mang cuả chủ! Đến đây, bạn đã khó chịu chưa? Có lẽ bạn tức lắm, nhưng vì bản tính nhã nhặn, lịch sự, bạn chỉ nhắc nhở họ thôi và cố tránh các căn phòng có họ ở, đành chép miệng, coi như làm phước đi! vì „cứu một người, phúc đẳng hà sa“ mà!
Thế rồi được thể, họ đòi bạn phải thay giường, đổi tủ, cho họ thêm phòng, tạo điều kiện sống cho họ tốt hơn, và vì họ sống theo thói quen từ quê hương cuả họ, nên bưà bãi, bẩn thỉu, rác đổ lung tung, không thèm phân loại, dán chuột sinh sôi….
Họ đòi bạn phải cho người đến dọn dẹp….và cấp thêm tiền cho họ vì họ thấy „cuộc sống cuả họ tồi tệ hơn bạn“, mặc dù họ luôn rình bạn hở gì ra là ăn cắp, hay làm mọi trò cốt làm sao có nhiều tiền như có thể, để gửi về cho gia đình …..
Có lẽ đến nước này….thì bạn đã sẵn sàng tống cổ họ ra ngoài, nhưng vì lỡ „cưu mang“ sợ xấu mặt với hàng xóm láng giềng, bạn chỉ không thoả mãn hoàn toàn những gì họ đòi quá đáng, bắt họ tự dọn nhà, làm vườn nếu không sẽ không cho họ ăn nữa…..Họ nổi khùng và …..chửi bạn là „Đồ lợn!“…..
Lúc đó, bạn sẽ làm gì???

Hãy thông cảm với người dân nơi bạn đang sống nhờ! Hãy nhìn lại mình và hãy cố gắng hội nhập! Đó là những gì bạn có thể làm, để họ thương qúi bạn hơn và nghiễm nhiên nâng cao giá trị dân tộc bạn hơn, tạo điều kiện cho con cháu bạn vững bước tiến tới trong xã hội cuả họ sau này.
Điều lý giải dễ dàng tại sao, những gia đình thuyền nhân việt nam xưa họ yêu đất nước họ cư trú, họ hoà đồng và được người dân nước họ sinh sống tôn trọng, không phân biệt! Họ làm ăn dễ dàng, con cháu cũng thành đạt trong tất cả các nghành nghề quan trọng, nếu có thực tài, không ai kỳ thị, ngăn cản họ vào nhữnh cấp bậc cao trong xã hội. Vì họ luôn biết ơn đất nước đang cưu mang họ, họ đã phải trải qua những phút giây tưởng sắp chết, rồi được cứu vớt trở về với cuộc sống. Họ dễ dàng bằng lòng hơn với những gì họ nhận được, và luôn cố gắng hết mình, không làm phiền đến dân sở tại, nhưng không co cụm lại, mà hoà đồng với dân bản xứ, tự coi mình cũng có mọi trách nhiệm đóng góp, xây dựng đất nước họ đang sinh sống như quê hương mình! Vì họ hiểu giá trị thực cuả cuộc sống mà họ đang được hưởng qúi giá biết chừng nào!
Còn chúng ta- khối Lao động, Ăn theo, hay „Tỵ nạn“ kinh tế- đã làm được gì cho nước Đức? Đã thực sự hội nhập và học được cung cách sống, giao dịch, làm việc cuả người Đức chưa? Đã thành thạo tiếng nói cuả họ chưa? Đã sống như thế nào, kể cả bạn đã nhập quốc tịch Đức? hoặc đã là cha, mẹ cuả những đứa con mang quốc tịch Đức? Bạn có thực sự tự „cảm thấy“ mình là người Đức chưa? Tôi dám khẳng định là chưa! Hiện tại, chỉ có một số rất ít đang cố gắng thực sự hội nhập mà thôi.
Hãy trách mình trước khi trách người! Bạn sẽ tốt hơn nhiều đấy!

4 Kommentare:

  1. ẢNH BẠN CHỤP ĐẸP QUÁ
    BAÌ VIẾT RẤT HAY, ĐÚNG LÀ NHIỀU CÁI KHÓ KHI TA SANG MỘT NƠI XA LẠ, VIỆC HỌC NGHE NÓI ĐÃ LÀ MỘT VẤN ĐỀ NAN GIẢI RỒI, CHƯA KỂ PHẢI THÔNG THẠO VÀ HÒA NHẬP.
    BẠN GIỎI QUÁ, PHUSA THẬT NGƯỠNG MỘ

    AntwortenLöschen
  2. Hiiiii Bạn gái quá khen, nhưng ảnh đó chụp khi mình mới quay trở sang đây làm phiên dịch đó, chứ nếu thời học sinh thì....hì hìhì trông như con nít ấy chứ. Cám ơn Bạn gái iu quá khen! Ai cũng cố gắng và rộng lòng vị tha thì nơi nào cũng sẽ là quê hương thôi, phải không bạn?!

    AntwortenLöschen
  3. Minh cung co mot nguoi ban o Berlin,Ban a.

    AntwortenLöschen
  4. Oh, vậy bạn thử gửi bài này cho bạn ấy đọc xem sao. Cám ơn bạn nhé! Xin lỗi vì trả lời bạn muộn, vì mình đi vắng.

    AntwortenLöschen