Seiten

Donnerstag, 10. April 2014

Vụ án 5 công an có cấp hàm Úy, Tá đánh chết người và phiên tòa không minh bạch

Không thể không quan tâm tới những gì đang xảy ra tại Việt Nam. Nỗi lo lắng cho nhân dân tôi khi đại diện nhà chức trách lại hành xử theo thú tính thế này.



http://nguoivietdiendan.com/vi/news/Xa-Hoi/Bang-hoang-phan-no-va-that-vong-voi-nhung-thu-nhan-cua-ong-Chanh-an-1820/

Bàng hoàng, phẫn nộ và thất vọng với những thú nhận của ông Chánh án

Đăng lúc: Chủ nhật - 06/04/2014 23:01 - Người đăng bài viết: nguoivietdiendan
5 kẻ giết anh Kiều
5 kẻ giết anh Kiều
(nguoivietdiendan.com) Một chế độ mà Chánh án chọn con đường bao che để giữ ghế chứ không dựa vào luật để xét xử. Biết "đau" cho sự sai lầm của ông Hoàn, kẻ lạm quyền ngu ngốc. Biết "đau" cho ngành công an mất đi 5 "cán bộ" dã man, tàn ác. Nhưng lại thờ ơ với nỗi đau của người bị hành hạ đánh đập tới chết, nỗi đau mất người thân yêu của gia đình bị hại và nỗi khủng khiếp khi phải tưởng tượng cảnh chồng, con họ bị 5 thằng mặt người dạ thú đánh tới chết và không hề động lòng trước cảnh 2 đứa trẻ sờ và hôn vào di ảnh người cha bị đánh chết, không biết xót xa cho tương lai 2 đứa nhỏ vô tội....Vậy chế độ này còn gì cho dân?
Trần Đăng Tuấn
TT – Trong đa số các công việc, người ta chỉ được nhân danh chính bản thân mình. Cao hơn nữa (và phải được công nhận có những phẩm chất, tư cách phù hợp) mới có thể nhân danh tập thể, đơn vị…
Gia đình nạn nhân nghe tuyên án – Ảnh: D.T
Rất cao mới có thể nhân danh một ngành, một hệ thống, đoàn thể, tổ chức. Còn nhân danh cả đất nước, quốc gia chỉ có thể là hàng nguyên thủ và số rất ít người nếu được ủy nhiệm trong những tình huống cụ thể.

Nếu tôi không lầm, duy chỉ trong công việc xét xử là ở mọi cấp thấp cao đều có thể tuyên lên quyết định của mình, mở đầu bằng lời “Nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…”.
Bởi lẽ sinh mệnh, quyền tự do, danh dự của mỗi con người là điều cực kỳ quý giá, nên không thể định đoạt với danh nghĩa thấp hơn danh nghĩa quốc gia.
Bởi lẽ công lý là điều thiêng liêng nhất, chỉ có thể nhân danh quốc gia mà tuyên đọc. Ở đây không thể có cái gì là nhân danh cá nhân hay một nhóm người, một đơn vị, một tổ chức, một ngành nghề, thậm chí một hệ thống. Ở đây không chấp nhận áp lực từ một hay nhiều bộ phận, chỉ có áp lực duy nhất, áp lực cao cả: pháp luật của quốc gia và gương mặt lương tâm của quốc gia.
Ông Lương Quang, chánh án Tòa án nhân dân TP Tuy Hòa, qua báo chí đã nói rằng chịu nhiều áp lực. Nhưng rõ ràng những áp lực mà ông thổ lộ qua báo chí khác xa với áp lực mà ta nói đến ở trên.
Đọc bài trả lời phỏng vấn của chánh án Lương Quang, mỗi câu đều khiến người ta run lên vì kinh ngạc, bàng hoàng, phẫn nộ và thất vọng, cùng vô số trạng thái khác, chẳng cái nào là dễ chịu.
Không kinh ngạc sao được khi người có trách nhiệm phải phân xử độc lập, chỉ tuân thủ theo pháp luật, lại nói rằng đây là việc “nhạy cảm”, “phải biết chọn giải pháp nào để an toàn” (!).
Không bàng hoàng sao được khi ông chánh án vừa dõng dạc “nghiêm minh là phải đúng pháp luật”, ngay sau đó lại nói ra cái quan niệm “sai – đúng” là: “Có những việc biết lẽ ra là như thế này nhưng người ta không làm như thế mà làm khác một chút để đảm bảo mối quan hệ cho tốt” (!).
Không xót xa, không phẫn nộ sao được khi ông Quang vừa nói rằng sự thật trên đầu nạn nhân có tới 11 vết thương, và “70 vết thương trên người… nhìn thấy kinh” (ai cũng biết rằng người đó đã bị đánh đến chết, rằng phiên tòa ông Quang chủ trì là phiên tòa xử một vụ án mạng), cùng lúc ông lại nói rằng các bị cáo là những người bị “tai nạn nghề nghiệp”.
Xin nhắc lại, năm thủ phạm làm chết một mạng người ngay ở nơi thừa hành công vụ bằng cách thức không thể biện minh, năm người sai trái lời thề, xúc phạm chức trách của mình – là những người bị “tai nạn nghề nghiệp”, theo lời vị chánh án (!).
Có cách nào để không thấy chua chát và mỉa mai khi vị chánh án của phiên tòa – người phải làm thiên chức là tìm ra cho được phán quyết đúng nhất với sự thật, người phải chỉ mặt tội ác và đem lại công lý – lại kêu than về những “phức tạp”, lại công khai nói rằng chẳng muốn “ôm rơm nặng bụng”, “làm cho hết trách nhiệm thôi”?
Có cách nào để hiểu nổi chuyện người cầm cán cân công lý, biết rằng “diễn biến vụ án còn những việc chưa rõ” nhưng lại chép miệng mà quyết theo kiểu “có cái cũng đành vậy chứ” và “xét xử còn có phúc thẩm”, hay “luật quy định như vậy nhưng trên thực tế tôi thấy không khả thi”?
Nhưng sau khi cảm giác kinh ngạc, đau xót, phẫn nộ và bất bình khi đọc lời bộc lộ của ông chánh án dịu lại, thì âm ỉ trong người ta là sự lo lắng. Lo lắng cụ thể hơn là về ông Lương Quang. Nổi lên ở ông là… sự hồn nhiên.
Tôi đọc thấy trong muôn vàn phản ứng bất bình đang đầy trong dư luận có vài lời nói đến sự “thật thà” của ông chánh án bộc lộ qua những câu trả lời phỏng vấn. Vâng, đó là sự hồn nhiên. Đó là sự thật thà. Nhưng với nội dung vụ án này, đó là sự hồn nhiên và thật thà không thể chấp nhận được.
TRẦN ĐĂNG TUẤN

Vụ 5 công an dùng nhục hình: Hoan hô ông chánh án!

(NLĐO) – Sự thật thà của ông Lương Quang, Chánh án TAND TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, đã giúp dư luận nhận ra bộ mặt thật của các cơ quan tố tụng khi giải quyết vụ 5 công an dùng nhục hình

Mấy ngày gần đây, tôi theo dõi rất kỹ diễn biến vụ xử 5 công an dùng nhục hình ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Phải nói là chưa có vụ án nào mà đem lại nhiều cung bậc cảm xúc đến như vậy. Từ xót xa, phẫn nộ trước cái chết đau đớn, oan ức của bị hại; tức giận điên người trước bản án của TAND TP Tuy Hòa đến ngỡ ngàng “không hiểu gì hết” trước kiểu trả lời phỏng vấn có một không hai của ông Lương Quang, Chánh án TAND TP Tuy Hòa.
Ông Ngô Văn Cộ (cha) và chị ngô Thị Tuyết (chị anh Kiều) mang theo các chứng cứ ra tòa
Với những vết thương khủng khiếp trên người nạn nhân Ngô Thanh Kiều, ông Lương Quang, Chánh án TAND TP Tuy Hòa chỉ có thể nói “thấy mà kinh”.

Ai cũng thấy vụ án này được các cơ quan tố tụng TP Tuy Hòa dàn ra như một vở hài kịch. Nó phi lý, nực cười tới mức sau khi tòa tuyên án, từ gia đình bị hại đến bị cáo; từ luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bên đến người dự khán đều cật lực phản đối, chỉ trích tòa nặng lời vì đã đạp lên dư luận, xét xử thiếu công bằng; bỏ lọt người, lọt tội.
Và vở hài kịch ấy chỉ thật sự phô bày khi ông Quang nói rằng đây là một vụ án phức tạp, tòa phải “chọn giải pháp nào để giải quyết cho an toàn” và “làm khác một chút để bảo đảm mối quan hệ cho tốt”.
Biết nói gì hơn là hoan hô ông chánh án! Sự thật thà của ông đã giúp dư luận nhận ra bộ mặt thật của cán cân công lý ở Tuy Hòa. Bộ mặt đó làm chúng tôi, những người dân thường cảm thấy chua xót đến cùng cực. Bộ mặt đó như một gáo nước lạnh tạt vào xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành tươi cười hớn hở tại phiên sơ thẩm
Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành hớn hở tại phiên sơ thẩm ngày 10-3

Không biết những người làm trong ngành tư pháp Việt Nam có xấu hổ không khi có đồng nghiệp như ông Quang nói riêng và các cơ quan tố tụng ở TP Tuy Hòa nói chung. Chứ riêng bản thân tôi, với tư cách một công dân, tôi thấy xấu hổ không biết chui vào đâu khi mình làm chủ đất nước này mà lại thiếu sáng suốt đến mức trả lương cho một người đầy tớ đang làm việc không vì công lý mà vì cái ghế của mình.
Trong bài trả lời phỏng vấn trên Báo Người Lao Động số ra ngày 5-4, ông Quang 2 lần nhắc đến từ “đau”. Trước là đau cho ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa (người đã cho bắt bị can Ngô Thanh Kiều và để cấp dưới của mình đánh nạn nhân đến chết) vì ông Hoàn bị xử lý hành chính (trong khi luật sư yêu cầu xử lý hình sự). Sau là đau cho ngành công an khi mất 5 cán bộ. Trong khi những người này đã lợi dụng quyền được nhân dân giao phó để đánh dập dân đến chết lại còn được ông Quang gọi việc đó là một “tai nạn nghề nghiệp”.
5 bị cáo từng là cán bộ công an phải ra tòa vì tội dùng nhục hình làm chết anh Kiều
Ông Quang cho rằng mất 5 cán bộ đã đánh dân đến chết là một cái đau cho ngành công an

Những cái đau mà ông Quang nói tới liệu có bằng nạn nhân Kiều khi bị đánh bầm dập cả người cho đến chết; có bằng gia đình nạn nhân khi mất một người con, một người chồng, người cha; có bằng cả xã hội này khi căng mắt theo dõi vụ án với mong muốn tòa xét xử công bằng để loại khỏi bộ máy công quyền những kẻ độc ác, sâu mọt để rồi đổi lại là sự hụt hẫng, tức giận?
Chắc không thể nào bằng bởi câu chia sẻ duy nhất của ông Quang với bị hại chỉ là “70 vết thương trên người nạn nhân, thấy mà kinh”. Ông Quang kinh 1 thì xã hội kinh 10. Không chỉ kinh vì những cú đánh tàn nhẫn mà còn vì bộ mặt tươi cười hớn hở của bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành tại phiên tòa sơ thẩm mở ngày 10-3 (sau đó bị hoãn) vì lời đề nghị cho 4 bị cáo được hưởng án treo của Viện KSND TP Tuy Hòa và cái quan điểm “ôm rơm nặng bụng” của ông Quang.
Theo luật sư bào chữa cho bị hại Ngô Thanh Kiều, bản án quá nhẹ của TAND TP Tuy Hòa tuyên đối với 5 bị cáo (2 án treo và mức nặng nhất là 5 năm tù giam) đã đạp lên dư luận.
Tòa sơ thẩm kết thúc, các bên đều kháng án và mong chờ một sự công bằng hơn ở phiên phúc thẩm. Nhưng không phải vì thế mà bỏ qua cho những cú đạp lạnh lùng như vậy. Bởi nó không chỉ đạp vào dư luận mà còn đạp vào nền tư pháp nước nhà.
Tôi không tán thành việc cứ chuyện gì lình xình ở địa phương là đề nghị trung ương giải quyết nhưng quả thật với những biểu hiện coi thường dư luận, coi thường pháp luật như vụ án này thì có lẽ các cơ quan trung ương phải vào cuộc điều tra và xử lý tới nơi tới chốn. Trước là lấy lại công bằng cho bị hại, sau là chấn chỉnh lại hoạt động của các cơ quan công quyền ở Tuy Hòa. Bởi với kiểu làm việc không đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết như trong vụ án này thì thật nguy hại cho một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Hà Giang

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen