Seiten

Dienstag, 21. September 2021

CHIỀU VĂN QUÁN VỚI “HÀ NỘI EM VÀ TÔI”

 


Đột ngột tôi nhận được một cú điện thoại lạ mà quen, tuy bất ngờ, nhưng cũng không ngạc nhiên lắm, vì chúng tôi cũng đã có dịp biết về nhau.
Tôi vốn là fan hâm mộ nhiệt thành với những cuốn tiểu thuyết rất nổi tiếng của Bà về hiện thực chế độ mà Bà đã từng nhiệt thành cống hiến (những cuốn tiểu thuyết của bà hồi đó rất khó mua, về sau thì bị cấm xuất bản như Hành trình ngày thơ ấu, Bên kia bờ ảo vọng, Những thiên đường mù, Đỉnh cao chói lọi...v.v...) và cách sống thẳng thắn, trung thực, rất..... ”gấu” của chị ruột Nam, nhà văn Dương Thu Hương ngay từ sau khi tôi đi học Đức về năm 1978.
Cảm xúc đầu tiên
Khi nghe cái tên Văn Quán với chủ đề “Hà Nội Em và Tôi”, tôi đã biết người mời chắc chắn là người có tâm hồn nghệ sĩ thuộc hàng tầm cỡ. Bởi Văn Quán có nghĩa là một chốn gia đình bình dị dành cho những tâm hồn nghệ sĩ gặp nhau trao đổi và đàm đạo. Còn “Hà Nội Em và Tôi” không có nghĩa cạn hẹp như “Hà Nội Tôi và Em”. Tiếng Việt phong phú ở chỗ này.
“Hà Nội Em và Tôi” cho thấy tầm văn hóa cao của người chủ xướng biết đặt chữ “Tôi” sau những cảm xúc lớn lao do các tâm hồn nghệ sĩ từ khắp nơi trong cộng đồng mang về đây tụ hội. Nó không chỉ ngợi ca tình yêu đôi lứa của ai đó trong lòng Hà Nội, cũng không chỉ là nỗi nhớ riêng tư của những đứa con sinh ra và lớn lên tại Hà Thành. Chữ “Em” ở đây có nghĩa bất kỳ ai, ở đâu, lứa tuổi nào, trai hay gái đều cũng có thể yêu Hà Nội như “Tôi”. “Hà Nội Em” cũng có thể hiểu theo nghĩa nói về một người con gái Hà Nội được ai đó yêu, song đồng thời cũng có nghĩa ví Hà Nội mang bóng dáng một cô gái xinh đẹp, dịu dàng, quyến rũ khiến mọi tấm lòng, trái tim dành cho Hà Nội đều phải mê đắm và khi đi xa chẳng thể nào quên.
Chính vì nghe cái tên, mà đâm ngưỡng mộ người, tôi đã nhận lời ngay, mặc dù chưa biết cung cách tổ chức của vợ chồng Anh Chị Nam - Huệ thế nào. Tôi tự nhủ, cứ đi một lần cho biết. (Phải nói từ sau khi quyết định “gác kiếm”, từ giã hội đoàn vì nhiều lẽ, tôi rất ít khi nhận lời mời tham gia vào những cuộc vui tùm lum không mang tính nghệ thuật, vì không muốn mất thời gian và cũng không muốn bị tra tấn bởi những giọng ca phá nghệ thuật, không đúng giai điệu, không theo nhịp phách kiểu “ca sĩ Lệ rơi” hay phải xem những điệu múa chắp vá, lắp ghép không ăn nhập gì với lời bài hát hay chủ ý của giai điệu nhạc và tránh luôn phải nghe những kẻ thích buôn dưa lê nói xấu cả thế giới chung quanh, trừ những người đang tham gia cuộc buôn với họ ngay lúc đó, nhưng chắc chắn sau lưng họ cũng chẳng tha nói xấu lẫn nhau).
Mất thời gian đi hơn trăm cây số cũng thấy bõ công.
Hoàng hôn buông xuống là lúc Anh Nam quyết định khai mạc, mặc dù mới chỉ có khoảng dăm bẩy chục người tới dự (đáng tiếc đây là thói quen xấu mang tính “truyền thống” của người Việt mình, cho dù họ đã sống tại đất nước văn mình này tới 30 năm). Cũng có một số người ở xa còn đang trên đường vì sự cố, nhưng ban nhạc với 3 chàng nhạc công người Đức vốn là học trò học võ của thầy Nam Vo, nhưng họ lại là thầy dậy nhạc cho Nam (đáng ngạc nhiên chưa?), thêm tay ghita rất giỏi chạy solo, dễ dàng hòa nhập vào bất cứ ban nhạc nào trong cộng đồng Dresden đến từ Freital là anh Mạnh Tuyền và người chịu trách nhiệm chơi chính phục vụ đêm tụ hội tất nhiên là tay Keyboard Dương Hoài Nam đã sẵn sàng phục vụ.
Mặc dù ban nhạc này chưa một ngày tập cùng nhau, đánh theo kiểu tài tử của những tâm hồn nghệ sĩ, nên đôi khi cũng có chút láng, song cơ bản là hòa hợp, không khiến người hát bị gẫy, người nghe phải lắc đầu cười tủm, vậy là thành công rồi. Nếu được tập với nhau, tôi tin họ sẽ thành danh trên sàn diễn.
Chỉ tiếc người điều khiển âm thanh không có kinh nghiệm, (vì người chính có việc vắng mặt) nên trước buổi diễn, chỉ cho từng người thử đàn và hát thử với 1 cây đàn mà không cho cả ban nhạc và người hát cùng thử như diễn thật để điều phối âm thanh cho dung hòa. Vì thế lúc đầu tôi tiếc cho những nhạc công đã gắng hết mình, nhưng người nghe không thấy thỏa mãn. Tôi có biết chút ít về âm thanh, nhưng vì là người mới lần đầu đến đây, nhìn thấy toàn những gương mặt sáng và nhiều giọng ca đáng nể, nên không dám lên tiếng, chỉ nhắc anh Tuyền bảo với người chỉnh âm thanh, song..... Cho tới khi bác Long, một ca sĩ có kinh nghiệm, là thổ công Leipzig, lên nhắc, thì nghệ thuật âm nhạc mới thực sự được lan tỏa trong không gian của thính phòng, nâng những giọng ca vốn đã rất nhuần nhuyễn, chuẩn nhịp phách bay bổng, truyền cảm, đi vào lòng người hơn.
Phải nói chưa bao giờ tôi có được một đêm chỉ ngồi nghe mà chìm đắm say xưa, xúc động như thế. Có những bài ca được ca sĩ không chuyên hát, nhưng thực sự đã chinh phục tâm hồn và khiến trái tim vốn nhậy cảm của tôi thắt lại nghẹn ngào. Cho dù không muốn xuất hiện nhiều trên sân khấu, song tôi không thể không lên tặng hoa cho những giọng ca tôi ngưỡng mộ và vài người mà tôi thấy trân trọng vì tấm lòng đáng quí của họ.
Tụ hội về đây không chỉ có những giọng ca của lớp già trên dưới 50 và 60 hát về Hà Nội với những hoài niệm tuổi thơ vô cùng xúc động, mà còn có những bạn trẻ đến từ khắp mọi miền quê của Tổ quốc dành cho Hà Nội những tấm lòng yêu thương da diết. Có những giọng ca tuyệt vời, vô cùng truyền cảm làm mê đắm người nghe. Trong đó có cả một cô bé còn rất ít tuổi, được sinh ra và lớn lên tại Đức, nhưng em hát tiếng Việt chuẩn với cả tấm lòng dành cho quê hương chốn xa vời. (Tôi xin phép không nêu tên bất cứ ai trong đây, để khỏi làm buồn lòng ai đó không được nhắc đến).
Xuyên suốt đêm tụ hội là những bài hát nói về Hà Nội của những nhạc sĩ nổi tiếng như Phú Quang, Trần Tiến, Phạm Tuyên, Trần Quang Lộc, Huy Du....v.v... có cả những ca khúc của Trịnh Công Sơn và cả của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, người đã từng bị chính quyền “của dân” đày đọa chỉ vì vụ Nhân Văn Giai Phẩm sai lầm trong thế kỷ trước. Những ca khúc bất hủ đó đã đi vào lòng người mãi mãi không bao giờ phai nhạt, cho dù (nói như anh Nam nói), Hà Nội hôm nay không còn như xưa, nhưng chúng ta, những đứa con xa sứ vẫn nhớ về Hà Nội bằng trái tim và kỷ niệm một thời thơ ấu tuy nghèo, nhưng dung dị và nhân bản.
Về đây tụ hội cũng có vài gương mặt những người yêu thơ như chị Hải Bến đã vượt chặng đường dài vài trăm cây số từ Hof về chỉ để đọc những bài thơ ngắn ngập tràn cảm xúc của mình dành cho quê hương, anh Hoàng Long với những bài “trường ca” theo sở thích. Cùng góp mặt với dòng thơ viễn sứ là một chàng thi sĩ thấp, béo với những vần thơ hóm hỉnh được cộng đồng đón nhận một cách thích thú (mà tôi quên mất tên) và.... tôi với dòng cảm xúc chân thành in dấu ấn tuổi thơ chính mình trong lòng Hà Nội ngày ấy còn êm đềm, thanh khiết, lịch lãm và giản dị, chân tình. Đặc biệt, có một thi sĩ trẻ đến từ phía Tây nước Đức mang về một bài thơ chứa chan tình cảm, chỉ tiếc nó quá ngắn khiến người nghe chưa kịp ngấm thì đã hết trong sự tiếc nuối.
Nhưng phải nói, sàn diễn này đã hút hồn tôi, và quyến rũ đến độ khiến những người có mặt chìm đắm trong giai điệu truyền cảm, nên thính phòng lặng phắc, không ồn ào chuyện riêng như thường thấy trong các buổi tụ hội khác của cộng đồng. Người ngưỡng mộ cũng lịch lãm chờ ca sĩ, thi sĩ dứt câu cuối cùng mới lên tặng những bông hồng thắm đỏ bày tỏ lòng ngưỡng mộ chân thành với người trình bày tác phẩm nhạc hay thơ.
Điều khiến tôi xúc động nhất là sự linh hoạt của nhà tổ chức, người dẫn chương trình Dương Hoài Nam khi anh giới thiệu một ca sĩ có chất giọng rất sáng và truyền cảm lên hát bài “Hà Nội và tôi” ngay sau khi tôi đọc bài thơ “Hà Nội Em và Tôi” bằng những rung cảm và những hoài niệm thủa nhỏ được tôi viết ra trong nỗi nhớ từ sâu thẳm trái tim mình ngay trong sáng sớm ngày 03.09.2017 này.
Chính giọng ca của chàng ca sĩ đến từ Brandenburg và bài hát đã tạo thêm sức truyền cảm sâu đậm hơn tới tâm hồn khán thính giả bài thơ mộc mạc chân tình này của tôi. Bởi thơ rất kén người nghe và không phải ai cũng thích, cũng biết rung động trước những vần điệu của văn ngữ như âm nhạc.
Xin cám ơn chàng Ca sĩ, Nhạc Sĩ kiêm Võ sư và nhà tổ chức Dương Hoài Nam đã làm bài thơ của tôi thêm tỏa sáng trên sàn Văn Quán!
HÀ NỘI EM VÀ TÔI
Hà Nội là em, êm đềm góc phố
Mái ngói xanh rêu bên con đường nhỏ
Cặp mắt Hồ Tây lộng gió trong chiều
Những hàng cây như mái tóc em yêu
Rợp bóng mát ôm dáng kiều quyến rũ
Mềm mại dòng sông nước phù sa đỏ
Nhắc kỷ niệm xưa, thủa nhỏ năm nào
Long Biên chiều vàng, cánh diều cất cao
Mang mộng ước bay vào hoàng hôn tím
Ai đi xa cũng thấy lòng bịn rịn
Nhớ về em, hoa sữa chín hương nồng
Thu Hà Nội trăng tỏa sáng mênh mông
Cảnh thiên thai khiến cho lòng mê đắm
Ngơ ngẩn tâm hồn, bước chân chầm chậm
Ngắm Hồ Gươm in đậm bóng Tháp Rùa
Hà Nội em tôi thay đổi bốn mùa
Thích làm nũng, nắng, mưa, đông trở lạnh
Khiến cặp má hồng, mắt ai lóng lánh
Những bàn tay tránh giá buốt tìm nhau....
Trái tim Hà Nội, dẫu bạc mái đầu
Vẫn nhớ về, dù đi đâu xa cách
Em và tôi tình như mơ thanh bạch
Mãi ghi lòng thủa cắp sách tới trường
Tà áo dài gieo bao nỗi vấn vương
Quấn quýt lá thu, trách đường quá ngắn....
Nghệ thuật ẩm thực riêng em là chuẩn
Món ngon Hà Thành ngơ ngẩn khách ghé thăm
Bát phở thơm, vị chua ngọt sấu dầm*
Hồn dân tộc níu thầm người xa xứ
Tôi nhớ về em những đêm không ngủ
Thương lắm chốn quê, ấp ủ giấc mơ lành.
Thanh Bình 03.09.2017
*Có lẽ không ở đâu hương vị phở ngon như Hà Nội và chỉ Hà Nội mới có những hàng sấu xanh thẫm ven phố và món sấu chín dầm đường khiến ai nghĩ tới cũng phải thèm. Món ăn chơi này thường được bán trước cổng trường những năm 60,70 thế kỷ trước, ngon miệng và hợp túi tiền của bất cứ ai.
Một lãng tử văn võ song toàn
Được biết Nam là một cử nhân Đại học văn hóa, luôn chất chứa trong tâm hồn nỗi khát khao nghệ thuật và ẩn dấu trong tim là tình yêu con người và cuộc sống của một người nghệ sĩ, nhưng lại được giấu kín dưới cái vỏ đàn ông mạnh mẽ, ăn nói, khu xử giống một lãng tử phong trần với danh võ sư có tiếng trong cộng đồng lâu nay.
Đây không phải là lần đầu tiên Anh tổ chức sự kiện, mà đã đôi lần Anh và chị Minh Huệ, người đàn bà xinh đẹp, phúc hậu, dịu dàng, chu đáo đã cùng Anh sánh vai trong suốt hơn 30 năm thăng trầm, cùng đứng ra tổ chức những đêm thơ, nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề Hạ Trắng, hay những đêm hát về Hà Nội, hoặc về tình yêu cuộc sống...v.v.... Trong những đêm thơ, nhạc này những tâm hồn nghệ sĩ tha hồ giao lưu, thể hiện mình cho thoả nỗi khát khao nghệ thuật. Và xen kẽ trong chương trình là những giây phút người tham dự được sảng khoái, thả lỏng mình trong các vũ điệu Disco Fox, Cha cha cha, Salsa, Valrzer hay Rumba...v.v... làm say đắm cả người nhẩy lẫn người xem.
Anh tâm sự, muốn tạo ra một sàn diễn thực sự mang tính nghệ thuật cho những tâm hồn nghệ sĩ trong cộng đồng người Việt ở Đức. Vì thế Văn Quán kén người tham dự, song người tham dự cũng chọn Văn Quán để thể hiện mình, nên không đông, nhưng chất lượng. Anh nói, Thúy Nga Paris cũng bắt đầu bằng những bước chập chững đầy tâm huyết này. Vâng, tại sao chúng ta lại không vượt qua chính mình để làm?
Trở về trong đêm sau khi ngồi lại cùng gia đình Anh và một số bạn hữu hát vo với hai cây ghita gỗ, tôi cứ bồi hồi và tự hứa sẽ viết về những cảm xúc khó tả đêm nay để truyền đi cái thông điệp mà vợ chồng Anh Chị Nam - Huệ mong muốn tạo dựng.
Hãy một lần đến, bạn sẽ được trải nghiệm những phút giây khó quên như tôi tại sân chơi nghệ thuật này.
Xin cám ơn hai vợ chồng Anh Chị nhà tổ chức Dương Hoài Nam - Minh Huệ đã tạo ra cho chúng tôi một sân chơi mang dấu ấn của nghệ thuật.
Cám ơn những nhiếp ảnh gia và quay phim đã ghi lại được những phút giây đáng quí để chúng tôi có thể lưu lại những kỷ niệm khó phai này.
Thanh Bình 08.09.20

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen