Seiten

Samstag, 30. Januar 2016

Bài tham luận gây trấn động chính trường Việt Nam

TSB rất thích bài tham luận được đánh giá là "thẳng thắn, trung thực" này của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh. Đây là sự thật mà TSB nghĩ nhân dân cần phải biết và đám DLV cũng phải mở mắt ra để đừng nói láo, chửi bậy nữa.


Bài tham luận gây trấn động chính trường Việt Nam Đăng lúc: Chủ nhật - 24/01/2016 05:56 - Người đăng bài viết: nguoivietdiendan


Cảnh trong một vở kịch?


Lời bình của trang nguoivietdiendan.com:

Ngày xưa dân bị lính Pháp đóng gông, ngày nay dân dân khổ vì công an hung đồ (nguoivietdiendan.com) Thực ra đó là "những điều ai cũng biết", nhưng không phải ai cũng dám nói ra, và không phải ai nói cũng được báo chí "lề phải" ngợi ca là "tâm huyết, thẳng thắn". Nếu một nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền mà dám so sánh sự tụt hậu của Việt Nam về kinh tế so với "thời Pháp thuộc" như ông Bùi Quang Vinh, sẽ bị cho là "phản động". Nếu họ lại còn dám khẳng định 70 năm "có Đảng" kinh tế VN từ chỗ hơn Thái Lan 1,5 mức thu nhập bình quân đầu người, giờ tụt xuống chỉ còn bằng 1/3 Thái Lan hiện tại, thì sẽ bị qui là "phản đ̀ộng nói xấu Đảng". Nếu họ chê ĐCSVN sau 40 thống nhất và 30 năm "đổi mới" vẫn dẫm chân tại chỗ, chỉ hứa hẹn mà chẳng làm được gì và phê phán 5 năm qua kể từ Đại hội XI, Đảng đã ra nghị quyết hứa hẹn "đổi mới quyết liệt" cả về kinh tế, chính trị, nhưng chỉ có kinh tế là nhúc nhích tí chút, còn mặt chính trị có khi còn bóp nghẹt hơn nền dân chủ đang lấp ló, để duy trì một thể chế cũ kỹ, lạc hậu, trói buộc khiến đất nước trì trệ, không bứt phá lên được, cũng sẽ bị qui tội "phản động tuyên truyền chống phá Đảng và nhà nước", có khi còn bị bắt giam.
Nguồn: http://nguoivietdiendan.com/vi/news/Chinh-Tri/Ba-i-tham-lua-n-gay-tra-n-do-ng-chi-nh-truo-ng-Vie-t-Nam-6706/


Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Đổi mới hệ thống chính trị là cấp bách

Bảo Cầm – Quang Phổ 22-1-2016
Bộ trưởng KH - ĐT Bùi Quang Vinh phát biểu tại Đại hội XII
Bộ trưởng KH – ĐT Bùi Quang Vinh phát biểu tại Đại hội XII. Ảnh: báo Thanh Niên.

‘Kiên quyết đổi mới tổ chức, chức năng nhiệm vụ của tổ chức đảng, nhà nước, các đoàn thể chính trị… Đây là yếu tố quan trọng nhất, là điều kiện tiên quyết cho những đổi mới tiếp theo’.

Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định như vậy khi phát biểu góp ý văn kiện dự thảo Đại hội XII tại phiên họp toàn thể sáng nay 22.1.

Theo ông Bùi Quang Vinh, từ năm 1986 đến nay, thu nhập đầu người tăng gần 4 lần, hộ nghèo từ trên 50% nay còn 5%. Thành công là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một nước nghèo. Đầu thế kỷ 19 (năm 1820), Việt Nam đã có vị thế đáng nể trong khu vực về dân số và kinh tế, hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại, gấp 1,5 lần Thái Lan. Thu nhập đầu người xấp xỉ mức trung bình của thế giới.

Hiện nay, theo thống kê năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của chúng ta chỉ bằng 1/5 của thế giới (2.052/12.000 USD), bằng 1/3 của Thái Lan.


“So sánh là khập khiễng, nhưng chúng ta đã có 40 năm hòa bình, 30 năm đổi mới. Đây là thời gian tương đương với thời gian để Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc từ nghèo nàn, lạc hậu trở thành những quốc gia có kinh tế phát triển. Hơn nữa, yêu cầu phát triển càng cấp bách”, ông Vinh phát biểu.

Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư cũng cảnh báo, Việt Nam đang ở trong giai đoạn cuối của chu kỳ dân số vàng. Từ năm 1970, đến khoảng 2020, chúng ta chỉ còn khoảng 10 năm dân số có khả năng lao động cao nhất, sau đó giảm dần. Bất lợi khác là những động lực từ công cuộc đổi mới đang dần ít phát huy tác dụng, trong khi lao động giá rẻ, khai thác khoáng sản, tăng vốn đầu tư cũng không còn nhiều lợi thế. Vấn đề thứ 3 là chúng ta chấp nhận hội nhập là chấp nhận cạnh tranh. Vì vậy, theo ông Vinh, “cạnh tranh là sống còn. Chúng ta phải phát triển nhanh hơn, nếu không muốn tụt hậu”.

Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh nhắc lại, cũng tại hội trường này, nơi diễn ra Đại hội Đảng XI cách đây 5 năm, tháng 1.2011, Đại hội XI đã thông qua chiến lược kinh tế – xã hội đến năm 2020. Trang 99 nêu rõ: phải kiên trì và quyết liệt thực hiện đổi mới. Đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình. Trọng tâm là hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mở rộng dân chủ trong đảng và trong xã hội. Nghị quyết cũng khẳng định phải lấy việc thực hiện mục tiêu này làm tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá quá trình đổi mới và phát triển.

“Năm năm qua, chúng ta đã đổi mới kinh tế và có một số kết quả nhất định. Nhưng đổi mới về chính trị thì hầu như chưa làm được. Chính vì vậy công cuộc đổi mới 5 năm qua chưa đạt được hiệu quả như mong muốn”, ông Bùi Quang Vinh nhìn nhận.

Theo ông Vinh, nhìn lại 30 năm qua, thành tựu lớn nhất là chúng ta đã phát triển được nền kinh tế thị trường, nó làm thay đổi cuộc sống, làm đất nước phát triển. Nhưng 70 năm qua, cơ cấu tổ chức của đảng, nhà nước, các đoàn thể hầu như không thay đổi. “Một hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa, đặc biệt là nền kinh tế trong thời kỳ chiến tranh nay đã không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường, thậm chí trở thành rào cản. Vì vậy, đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách. Đảng là người lãnh đạo cao nhất, cần chủ động và nghiêm khắc đánh giá lại chính mình, đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh nghị quyết mà Đại hội Đảng toàn quốc XI đã xác định. Kiên quyết đổi mới tổ chức, chức năng nhiệm vụ của tổ chức đảng, nhà nước, các đoàn thể chính trị… Đây là yếu tố quan trọng nhất, là điều kiện tiên quyết cho những đổi mới tiếp theo”, ông Vinh đề nghị.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư, làm tốt điều này, Đảng sẽ lấy lại niềm tin trong nhân dân, bằng tấm gương tự đổi mới và sự lãnh đạo hiệu quả đối với đất nước và dân tộc.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen