Seiten

Samstag, 14. November 2015

Vì "bụi" mà đánh luật sư?

Tôi để tang cho nghề nghiệp của mình!

LS Đặng Đình Mạnh
11-11-2015

Ba Sàm

Sự xuất hiện trên thông tin đại chúng với khuôn mặt sưng vù, đẫm máu của hai luật sư sau khi bị hàng hung ở ngay Hà Nội, thủ đô nghìn năm văn vật, nơi đã từng là nguồn cảm hứng của hai câu thơ lừng danh trong thi ca “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” đã làm rúng động giới luật sư trong nước và sự quan tâm của công chúng …




Hồ nghi như thường lệ, nhưng công chúng vẫn mơ hồ chờ đợi công lý sẽ được thực thi! Thế nhưng, chỉ khi đến sự kiện công bố kết quả điều tra ban đầu của cơ quan điều tra cho báo giới ngày 10/11/2015 … đã như cái khoát tay cuối cùng lột truồng vị thế luật sư trong xã hội ra tô hô trước sự phán xét của 90 triệu người dân Việt.

Chưa lúc nào như lúc này, kể từ ngày xuất hiện nghề nghiệp luật sư ở Việt Nam cách đây hơn 100 năm [1] thì giới luật sư phải đối diện với câu hỏi nhức nhối đang được chất vấn đầy trên các trang mạng xã hội “Luật sư sẽ làm gì để bảo vệ cho mình ?”. Bởi lẽ, 90 triệu người dân Việt có là 90 triệu thân chủ hay không nếu họ chứng kiến một sự thật trần trụi rằng đằng sau danh tiếng lung linh của nghề nghiệp luật sư là sự yếu ớt, bất lực đến tội nghiệp : Luật sư đã không thể tự bảo vệ cho chính mình !!!

Tôi không rõ “chủ quản” của chúng tôi, nơi mà chúng tôi phải đóng phí niên liễm hàng năm như Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam sẽ có những động thái gì hữu hiệu để bảo vệ cho nghề nghiệp và cho các thành viên của mình ? Nhưng tôi tin chắc rằng, sự tìm kiếm công lý cho hai đồng nghiệp bị hành hung là không còn khả thi khi mà bộ máy ban phát công lý không khởi động theo hướng công lý !

Tuy yêu cầu thực thi công lý không đạt, thế nhưng, việc cần có một động thái có giá trị biểu tượng của giới luật sư để truyền đi một thông điệp đến với chính quyền, với công chúng vẫn là cần thiết … Tôi vẫn nghĩ, không cần ồn ào hô khẩu hiệu, không cần biểu ngữ, chỉ cần một cuộc tuần hành lặng lẽ của giới luật sư trên đường phố, trong bộ đồng phục nghề nghiệp, với băng keo đen dán chéo miệng, mỗi luật sư cầm trong tay một lá cờ đen nhỏ để tang cho chính nghề nghiệp của mình cũng là đủ và hơn nữa, điều đó hợp hiến bởi biểu tình đã là một quyền mang tính hiến định !

Tôi còn nhớ, hơn hai thập kỷ trước, khi còn ngồi trong giảng đường nghe thầy kể chuyện về nguồn gốc nghề nghiệp luật sư với hình ảnh chiếc áo choàng rộng như là những hiệp sĩ tài ba, mạnh mẽ bảo vệ người cô thế trước cường quyền, tôi đã hun đúc giấc mơ làm luật sư của mình … Nhiều người trong chúng tôi đã bước chân vào nghề nghiệp luật sư với lý tưởng đó !

Nhưng lúc này, nghề luật sư không còn mặc chiếc áo choàng lãng mạn hiệp sĩ đã đành, mà còn bị lột truồng để lộ sự yếu ớt, bất lực của mình trước công chúng … Như thế, liệu có cần tồn tại nghề nghiệp luật sư nữa không ? Chí ít trong xã hội này, ngày nay !

Ngày 10/10 được Nhà Nước đặt để là Ngày Luật Sư, thì ngày 10/11 có thể xem là một ngày tang tóc cho giới luật sư … Riêng tôi, tôi tự để tang cho nghề nghiệp của mình !
____

[1] Ngày 30/01/1911, Toàn quyền Pháp tại Đông Dương ký Sắc lệnh thành lập Luật Sư Đoàn Sài Gòn và Hà Nội.

Đại biểu Quốc hội:
'Vì bụi mà hành hung luật sư, xã hội sẽ loạn'

VNE
Thứ tư, 11/11/2015 | 12:18 GMT+7

Đề nghị khởi tố ngay vụ án đánh hai luật sư vì 'phóng ôtô làm bắn bụi bẩn', đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng từ lâu việc điều tra án liên quan quyền lợi luật sư đều rất chậm.

Hai luật sư bị đám đông tấn công, cướp điện thoại giữa đường / Công an Hà Nội: Luật sư bị đánh do 'phóng ôtô làm bắn bụi bẩn'



Bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm Công an Hà Nội cần khởi tố vụ án điều tra việc 8 người hành hung luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân dù lý do được xác định chỉ vì "phóng xe gây bắn bụi bẩn".

Theo ông Nghĩa, nguyên cớ đơn giản như vậy các luật sư đã bị hành hung thì "xã hội sẽ loạn". Đại biểu này nhận thấy tình trạng luật sư bị phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, đe dọa tính mạng... đã đến mức "báo động". Tuy nhiên việc điều tra, xét xử những hành vi xâm phạm quyền hành nghề của luật sư, theo ông đánh giá là "quá chậm chạp" và "không đạt yêu cầu".

Cũng là luật sư, ông chia sẻ "luôn lo ngại có thể tự bảo vệ được mình hay không". Việc xảy ra với luật sư Nam và Luận, ông tin Công an Hà Nội sẽ xử lý nhanh chóng, đúng pháp luật, "nếu không Liên đoàn Luật sư Việt Nam và giới luật sư chắc chắn sẽ có ý kiến".

Trong sáng nay, hai luật sư bị hành hung cho VnExpress biết đã gửi thư cảm ơn Giám đốc Công an Hà Nội chỉ đạo sát sao vụ việc. Tuy nhiên, hai ông cho rằng kết quả điều tra còn có nội dung "chưa chính xác".

Theo họ, nhà chức trách mới chỉ căn cứ lời khai một phía từ những người bị xác định liên quan và nội dung này "trái ngược hoàn toàn" với trình bày của các ông tại cơ quan điều tra ngay sau thời điểm bị tấn công. Các luật sư cho rằng kết luận nêu ô tô của họ phóng nhanh làm bắn bụi bẩn khiến nhóm 8 người tức tối, gây gổ "không phải là sự thật".

Ông Luân tiếp tục khẳng định bất ngờ bị chặn xe tấn công và dù 6 trong 8 người có đeo khẩu trang thì vẫn nhận ra người đầu tiên đánh và khống chế mình là một công an xã Đông Phương Yên.

"Khi đánh tôi, anh ta mặc thường phục, sau đó mặc quần áo công an xã đến ghi nhận hiện trường", luật sư Luân nói và cho rằng việc này cần được đối chất và nhận dạng.
.


Luật sư Luân và Nam sau khi bị đánh. Ảnh: Tiền Phong.

Trao đổi với VnExprerss, Phó chủ nhiệm Liên đoàn luật sư Việt Nam Phan Trung Hoài cho biết vài giờ sau khi Công an Hà Nội công bố kết quả điều tra, Liên đoàn và Đoàn luật sư Hà Nội đã có buổi họp khẩn tiếp nhận ý kiến của hai luật sư, sau đó sẽ có phản hồi.

Cũng như ông Nghĩa, luật sư Hoài cho rằng, vụ án có thể khởi tố ngay mà không cần đợi đến kết luận giám định thương tích, đó mới là thể hiện "sự kiên quyết của cơ quan điều tra".

Tại cuộc họp báo chiều 10/11, Công an Hà Nội xác định khoảng 15h30 ngày 3/11, luật sư Trần Thu Nam, Lê Văn Luân khi vừa rời nhà bà Đỗ Thị Mai (mẹ của bị can Đỗ Đăng Dư - người bị đánh tử vong trong trại giam) bất ngờ bị một nhóm người chặn xe, hành hung. Ông Nam bị chấn thương, bầm tím vùng mặt; ông Luân bầm tím mắt trái.

Cơ quan điều tra xác định 8 người tham gia đánh hai luật sư gồm: Đặng Quang Huy (26 tuổi), Nguyễn Duy Ninh (31 tuổi), Lưu Công Thắng (34 tuổi), Đỗ Xuân Nguyên (37 tuổi), Cao Văn Huân (20 tuổi), Nguyễn Duy Mạnh (21 tuổi), Hoàng Đình Dần (29 tuổi) và Nguyễn Gia Tú (38 tuổi). Trong số này có 7 người làm nông nghiệp tại xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ), riêng Tú là nhân viên tín dụng xã.

Nguyên nhân hành hung do ông Nam lái ô tô phóng nhanh làm bắn bụi bẩn lên người trong nhóm này.

Công an Hà Nội khẳng định, không có công an xã Đông Phương Yên tham gia vụ hành hung. Vụ án chưa được khởi tố vì chờ kết quả giám định thương tật.

Mai Chi - Võ Hải
____________


Vở diễn tồi!

Phạm Đình Trọng
11-11-2015

Cuộc họp báo của công an Hà Nội về vụ việc hai luật sư bị hành hung ở Chương Mỹ là một vở diễn quá tồi.

Cuộc họp báo, lại là họp báo của công an Hà Nội, lực lượng bảo vệ pháp luật của thủ đô đất nước là sự việc có thật của cuộc đời mà những người chỉ đọc thông tin về cuộc họp báo đã nhận ra đó chỉ là một vở diễn vụng về, đều ngao ngán thấy những người được trao trọng trách bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lí đã mang công lí ra làm trò diễn. Mang sự thật sờ sờ giữa ban ngày ra làm trò chơi trốn tìm bất tận trong bóng tối. Sự thật được mang ra làm trò ảo thuật, đánh tráo thật thành giả, biến đổi có thành không.

Qua vở diễn tồi trong cuộc họp báo ở bản doanh công an Hà Nội, người ngây thơ, đơn giản nhất cũng thấy rằng vụ hành hung hai luật sư ở xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội không phải là vụ việc tự phát của mấy gã trai làng, của công an cấp xã. Cuộc tập hợp bạo lực ở Đông Phương Yên, những nắm đấm vung lên, những cú ra đòn ở đó và lí lẽ, diễn giải ở cuộc họp báo ở phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội như đều có dấu ấn vụng về, hấp tấp của một đạo diễn kém nhưng quá tự tin, quá coi thường người dân, coi thường luật pháp, coi thường người bị nạn, những luật sư vừa là người thông tỏ pháp luật vừa là người trong cuộc, sự việc diễn ra bằng máu của chính họ, diễn ra ngay trên da thịt họ, ngay trước mắt họ.

Vở diễn tồi trong cuộc họp báo của công an Hà Nội càng cho người dân thấy cách hành xử pháp luật bất minh của một thể chế xã hội bất cập. Bạo lực lộng hành ở Đông Phương Yên, một xã của Hà Nội có yếu tố công an, có dấu ấn công an, có mặt viên công an Nguyễn Cửu trong đám người hành hung luật sư nhưng điều tra, kết luận vụ việc lại được giao cho chính công an Hà Nội, tất yếu sẽ dẫn đến kết luận điều tra theo ý muốn người điều tra chứ không theo sự thật. Vì thế cuộc họp báo trở thành vở diễn tồi

Chân đá bóng, miệng thổi còi thì dù chân bỏ bóng đá người, tiếng còi cất lên cũng chỉ để phạt thẻ đỏ kẻ bị đá gãy chân và bảo đảm sự vô can cho thủ phạm bỏ bóng đá người. Đó là pháp quyền Xã Hội Chủ Nghĩa. Pháp quyền XHCN kiểu đó đã diễn ra suốt mấy chục năm trên đất nước Việt Nam hiền hòa.

Công lí của pháp quyền XHCN là công lí của sức mạnh. Sức mạnh bạo lực. Sức mạnh quyền lực. Sức mạnh đồng tiền. Ai có sức mạnh của bạo lực, sức mạnh của quyền lực, sức mạnh của đồng tiền, người đó có công lí.

Pháp quyền XHCN đã và sẽ còn gây ra hàng ngàn án oan khiên Nguyễn Thanh Chấn, Lê Văn Mạnh, Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải. . .

Pháp quyền XHCN đã và sẽ còn có hàng trăm, ngàn người dân bị đánh chết trong đồn công an như những hồn oan Ngô Thanh Kiều, Nguyễn Văn Khương, Nguyễn Mậu Thuận…

2 Kommentare:

  1. cùng chia sẻ...
    phải trừng trị bon côn đồ được bảo trợ của công an

    AntwortenLöschen
    Antworten
    1. Rất đúng. Chế độ mà dùng côn đồ hại dân là chế độ phát xít.

      Löschen