Seiten

Samstag, 10. August 2013

Những giấc mơ kỳ lạ của tôi

Những giấc mơ kỳ lạ của tôi
Ghi chép của Tiếng Sóng Biển

Có những giấc mơ kỳ lạ cho tôi biết trước tất cả mọi chuyện sẽ xảy ra với tôi, ba mẹ và những người tôi yêu thương. Đôi lúc nó cũng làm tôi hoảng sợ. Nhưng rồi tôi cũng quen dần với điều đó, không sợ nữa và bình tĩnh chấp nhận tất cả, vì biết đó là số phận mình.
Chỉ luôn cố gắng sống hết lòng cho tới lúc không thể chịu đựng được nữa……
Xin kể cho các bạn nghe về những Giấc mơ kỳ lạ đó nhé, và mong ai đó sẽ lý giải được giúp tôi điều gì.

Giấc mơ thứ nhất:  Gặp tiên



Ngày tôi gần tròn 15 tuổi, lần đầu tiên trong đời tôi gặp 1 giấc mơ kỳ lạ và huyền bí. Khi tỉnh dậy, tôi cứ có cảm giảc như mình vừa trải qua tất cả những điều đó trong đời 1 cách thực sự chứ không phải chỉ nằm mơ. Vì ấn tượng đó quá mạnh, nên tôi đã kể cho mẹ tôi nghe. Mẹ nói, vậy là có thể có chuyện gì đó xắp xẩy ra với con, để mẹ đi hỏi 1 người. Sau đó mẹ về vội vã sắm 1 mâm cỗ nhỏ: có đĩa thủ lợn luộc, đĩa xôi trắng và chai rượu trắng, đĩa nhỏ có lá trầu không, miếng cau, vỏ trầu và nén nhang bắt tôi đội theo lên chùa. Khi đó, chùa Quán Sứ là nơi duy nhất còn được giữ nguyên và mở cửa phía bên vào những hôm rằm, mùng 1 dành cho những người có Đức tin.

Hồi đó đình chùa, miếu mạo bị chính quyền Hà Nội bắt phá hủy, dẹp bỏ, hay thu hồi làm nơi hội họp, kho chứa, hoặc cho trẻ con sơ tán làm chỗ ở khi Mỹ đánh bom Miền Bắc. Họ cấm toàn dân thắp hương, cúng vái, lễ lạy….vì họ nói Cộng Sản không tin có thần thánh, ma quỉ gì hết.  Những người cán bộ cách mạng như Ba, mẹ tôi không được phép tin hay làm những việc họ gọi là “Mê tín” đó (việc thờ cúng ngay cả cha mẹ, tổ tiên mình cũng không nốt).
Ba tôi là trưởng tộc một dòng họ danh giá có tiếng tăm, hàng quan đầu triều ngày xưa, nên trước kia gia đình có Ban thờ với lư hương, đỉnh, chũm, chóe, chân nến……tất cả đều bằng đồng nguyên chất…..sau ngày hòa bình lập lại, cô ruột tôi phải buộc lòng dẹp bỏ hết. Bởi lúc đó ba, mẹ và chú ruột tôi theo ông nội đi kháng chiến. Khi trở về, ngôi biệt thự 3 tầng khang trang xây theo kiến trúc Pháp cổ của ông bà nội tôi ngày xưa đã bị chính quyền thu phân cho những người khác gần hết. Cô ruột tôi xuýt nữa bị đuổi ra khỏi nhà vì bị qui là “Thành phần tiểu tư sản”, mặc dù cô chỉ ở nhà thêu thùa, may vá thuê nuôi bà nội tôi đến khi cụ mất vì cảm, rồi lấy chồng là 1 thầy giáo nghèo.
May chú ruột tôi là thương binh nặng, trở về trước ba tôi đã kịp giữ lại được gian phòng khách to tầng dưới (sau ngăn ra làm 2 phòng) cho gia đình cô (mà họ coi là “tiêu chuẩn” cho gia đình 2 chị em, vì họ qui định mỗi gia đình chỉ được ở 1 phòng khoảng 15m2). Còn gia đình chú thì tạm chiếm 2 gian nhà để xe của ông nội tôi ngày xưa, lúc đó còn ngổn ngang và dột nát nên chính quyền chưa phân ai ở. Chú cậy mình là thương binh nặng và nhà của bố mình, nên cứ chiếm. Sau này họ cũng cấp cho chú tôi một phòng trong khu tập thể 4 tầng rộng 20m2. (Sao lúc đó khổ thế chứ?)
Khi ba tôi trở về, vì là cán bộ cấp cao của nhà nước, ông “được cấp” cho 1 gian nhà đầu hồi (đó là sự ưu tiên vì nhờ vị trí đó, cha tôi mới ‘thưng thêm được 1 gian bằng 2 chiếc chiếu đôi làm “phòng ngủ”) trong dãy nhà tập thể nơi ông công tác. Và ở đây, tôi lớn lên mà chẳng bao giờ thấy có bàn thờ gì hết, mặc dù mẹ tôi là người có Đức tin. Mỗi lần tới ngày giỗ Ông, Bà Nội hay là tết đến, mẹ tôi lại dọn sạch cái nóc tủ quần áo nhỏ duy nhất trong nhà, cao cỡ 1m50, đặt lên đó 1 cái bát đựng gạo để cắm 3 que nhang, thắp cho niềm tin là linh hồn ông bà còn đâu đó, về chứng dám và phù hộ cho gia đình mình.
Ba tôi là người cộng sản vào sinh ra tử nhiều, ông không tin nhưng lại yêu thương vợ nhất mực, nên cũng chiều, đành để mẹ tôi làm theo ý bà và chấp nhận bị khiển trách.
Thêm nữa, cô ruột tôi là 1 người đàn bà gia giáo theo kiểu phong kiến, giữ nguyên vẹn nề nếp, phong cách của tầng lớp quí tộc xưa, cô không thể chấp nhận việc bỏ thắp hương cho ông bà, cha mẹ mình, nên mỗi lần có giỗ, nhà tôi lại vui như tết vì các cô, các chú dẫn các em về họp mặt đông đủ. Tôi dù còn bé tí cũng được các em bế lên tay và gọi bằng “chị”. Tôi cứ thấy ngượng nghịu, nên cũng gọi ngược lại như thế, làm cả nhà cứ cười, cho là tôi ngốc.

Chính vì hoàn cảnh nhà tôi lúc đó như thế, nên khi mẹ bảo tôi theo lên chùa, tôi rất ngạc nhiên. Nhưng ba tôi thì không cản mẹ.

Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi đặt chân vào nơi thờ tự có vẻ linh thiêng và hơi chật chội, âm u này. Tôi nói “có vẻ linh thiêng” vì hồi đó, mọi thứ tín ngưỡng đều cấm đoán hoàn toàn, chỉ sau vụ ông Diệm đàn áp Phật tử dã man trong Miền Nam, dẫn tới việc sư ông Thích Quảng Độ tự thiêu để phản đối, chế độ Hà Nội không muốn bị khép tội chung, nên mới từ từ nới lỏng, cho phép dân vào lễ những ngày rằm, mùng 1, nhưng chỉ mở cửa ngách phía bên, chứ không mở cả ra như bây giờ. Và vì sự cấm đoán làm ai cũng sợ, nên hồi đó chùa ít người dám lui tới lắm.
Tôi và mẹ tới cửa, thì có 1 bà dáng phúc hậu, mặc áo dài nhung mầu mận chín, cổ đeo chuỗi hạt nhỏ (người mà mặc trang phục như thế lúc đó là sang lắm) ra đón và niềm nở xoa đầu, khen tôi có con mắt sáng, mái tóc hơi xoăn tự nhiên dài đẹp và lớn quá, cao hơn cả bà. (Lúc đó tôi cao 1m58). Tôi chỉ thẹn thùng đỏ mặt theo mẹ bưng mâm vào trong.



Đập vào mắt và gây ấn tượng nhất đối với tôi lúc đó là 1 ông tượng đồng đen cao lớn ngồi khoanh tay, tì lên chuôi kiếm. Đầu chạm gần nóc nhà, râu tóc dài, khuôn mặt phương phi, hiền từ, nhưng bàn chân lại để trần và rất to. Chẳng hiểu sao, sự chú ý của tôi cứ bị hút vào khuôn mặt ông tượng mầu đen đó.
Tôi thấy một bà sau khi lễ xong, ra đứng trước pho tượng đồng đen chắp tay khấn gì đó, lấy 2 bàn tay xoa vào chân ông ta rồi xoa lên mặt, vuốt lên đầu và người. Bà làm 3 lần như thế.
Chợt nghe tiếng mẹ giục, tôi quì vào sau lưng bà bạn của mẹ để cúi đầu làm lễ.
Tôi cố lắng nghe lời Bà kia khấn, có đủ Trời, Phật, Vua, Mẫu, Quan, Tiên, Thánh thần….. rồi bà xin xá tội cho Ba Mẹ tôi, xin ban phước lành cho tôi, cho tôi được an bình nơi thế gian để trọn phận làm tôi con với ba mẹ…..


Tôi tự hỏi lòng, tôi có làm gì nên tội đâu mà sao bà phải xin cho tôi? Khấn xong, lậy xong, bà cũng dắt mẹ con tôi ra trước ông Phật đồng đen và làm y như cái bà trước, chỉ có điều là tự tay bà xoa vào chân bức tượng, rồi xoa vào người tôi.
Khi ra về, tôi hỏi bà tại sao phải xin cho tôi? Bà bảo, về nhà mẹ sẽ kể cho con nghe, rồi quay sang mẹ tôi bà nói: “Chị cứ kể cho cháu nghe, biết đâu sau này sẽ mang lại niềm tin cho cháu”. Tôi hỏi xin bà lời bài khấn, vì thấy hay hay và do tò mò chứ không phải vì bất cứ điều gì khác. Và 1 điều kỳ lạ là tôi mới đọc thử có 2 lần đã thuộc làu làu, rồi không quên nữa. Đó chỉ là 1 bài khấn dân gian nôm na, rất dễ hiểu và dễ nhớ, chứ không có từ nào vô nghĩa, rắc rối, khó hiểu như bây giờ.



Khi nghe mẹ giải thích rằng giấc mơ mà tôi thấy mình là gái trinh đứng đầu kiệu son bên phải, đang ngâm mình dưới nước hồ Thủ Lệ, Giảng Võ (lúc đó đâu đã có hồ, vì người ta đang còn đào để làm Công viên Thủ Lệ) trên kiệu rước một bà già tóc bạc đẹp như tiên, 1 tay cầm quạt, một tay cầm cây Phất trần có tua dài cũng trắng xóa (Y như của ông Bụt trong truyện Tấm Cám) đang chỉ ra phía trước. Lúc đó mặt hồ thì tối đen, nhưng trên trời lại sáng rực và có những tiên đồng, ngọc nữ, thổi kèn, sáo và ca múa, bay lượn rất đẹp, hương thơm ngát trời. Khi tỉnh dậy, tôi lại không nghĩ rằng đó là mơ…..Như vậy, có nghĩa: Bà Cô trong dòng tộc bên nội nhà tôi chết trẻ, rất thiêng làm quan lớn trên Trời đang tuyển hầu gái (và tất nhiên là phải gái trinh nguyên), Bà thấy tôi ngoan, hiền, dễ thương, ăn nói dịu dàng, xinh xắn nên đã “chấm” tôi.



Vì vậy, mẹ phải làm lễ xin Bà tha cho tôi ở lại với ba mẹ, có thế nào mẹ gánh thay con…..Tôi vòng tay ôm lấy mẹ và thầm nghĩ trong lòng: “Ôi, mẹ của con! Chỉ vì một giấc mơ cỏn con, mà mẹ lo gì xa thế”, rồi chỉ thốt được một câu: “Con yêu ba mẹ lắm và không bao giờ muốn xa”. Mẹ vuốt nhẹ lên tóc tôi và nói: “Gắng mà làm người tốt nhé con!” “Dạ, con sẽ nhớ lời mẹ và con xin hứa sẽ cố gắng.”
Rồi tôi quên đi câu chuyện giấc mơ đó cho tới khi tôi sắp tròn 17 tuổi, theo bạn bè tắm trên 1 con sông đào ngoại thành Hà Nội, nơi cơ quan của ba tôi đóng đô. Tôi vốn không biết bơi, nên chỉ dám lũm bũm ven sông, chỗ nước nông ngang bụng. Mọi người đã lần lượt lên bờ đi tắm, tôi cũng định bụng trầm mình xuống 1 lần nữa rồi lên, nhưng khi tôi nhoài người theo kiểu “bơi nhái” dọc ven sông cách chỗ lúc nãy tôi đứng khoảng 3 mét, rồi định đứng lên. Tôi bỗng thấy dưới chân mình không có gì cả, không có bùn, không có đất. Tôi vùng vẫy, nhưng nước phía dưới sâu hun hút, lạnh lẽo đến ghê người, mặc dù lúc đó là giữa hè, nước chỗ khác không lạnh. Tôi cảm giác như đang bị lôi xuống. Càng vùng vẫy, càng chìm….và khi 2 cẳng chân tôi cứng lại như bị chuột rút, thì ý nghĩ tới Giấc mơ chợt trở lại. Tôi nghĩ, có lẽ là Bà Cô tôi cần tôi, nên quyết gọi tôi đi, vì lúc đó, tôi vẫn còn ngây thơ, trong trắng hoàn toàn ngay cả trong suy nghĩ. Và…tôi đã buông tay….uống vài ngụm nước và chìm dần trong giá buốt.



Khi chạm tới đáy và gần mê đi. Chợt lóe lên trong óc tôi là gương mặt mẹ nhòa trong nước mắt, và câu mẹ gọi “Con ơi!” bỗng đánh thức sức sống trong tôi. Tôi dồn sức tàn đạp mạnh xuống đáy sông, và sức đẩy của cú đạp cuối cùng dồn cả vào đôi chân đã tê cứng niềm khao khát sống, đã khiến tôi chồi lên khỏi mặt nước, chỉ trong tích tắc sượt qua lưỡi hái của tử thần. Tôi ngớp vội 1 hớp không khí và kêu cứu, rồi lại uống nước, sặc, vùng vẫy….
Sau đó 1 chị và 1 anh nữa nối tay nhau nhoài ra túm được tóc, lôi tôi vào bờ. Lúc đó tôi mới biết mình vừa sa vào một hố bom sâu hắm ngày xưa. Trong khi nước sông thì cạn.

Những giấc mơ của mẹ và của tôi sau này, cho tôi hiểu: Sự mầu nhiệm nào đó trong lời cầu xin của mẹ trước kia, lần này đã giúp tôi trở về với cuộc sống.

(Còn nữa)

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen