Seiten

Montag, 26. August 2013

Giấc mơ thứ 4: Đánh nhau không lý do



Mặc dù mới quen không lâu, nhưng chúng tôi là bạn thân của nhau ngay khi mới có cơ hội gặp nhau, vì cả 2 gia đình đều là dân “Tập kết”. Mặc dù khác trường, nhưng 2 đứa đều học sáng. Chiều nào tôi và Dung cũng ríu rít cùng nhau, nó ở tận phố Hàng Bột, nhưng cứ đi tắt qua Hào Nam sang tôi chơi thường xuyên và có gì cũng chia nhau. Hôm thì nó ăn ở nhà tôi, hôm thì tôi ăn cơm ở nhà nó. Cả 2 gia đình đều coi chúng tôi như con trong nhà.
Bỗng một hôm, tự dưng tôi mơ thấy mình đánh nhau dữ dội với nó ngay trước cửa nhà tôi. Tôi bị nó đánh ngã lăn ra , rồi đạp lên người tôi. Hai đứa đánh nhau máu me bê bết. Còn con bé Thành “béo” hàng xóm bên cạnh thì cười đắc ý.
Khi tỉnh dậy tôi cứ ngơ ngác, phờ cả người như vừa trải qua một trận đánh nhau thật và không hiểu chuyện gì. Tôi kể lại với Dung, nó cười như nắc nẻ, nói tôi là vớ vẩn, hai đứa thương nhau không hết, tôi lại thùy mị, nết na, ba mẹ nó lấy tôi làm hình mẫu cho nó học, thì làm sao tôi đánh được ai? Và ai mà chạm tới tôi, nó sẽ bảo vệ tôi đánh trả, chứ sao hai đứa lại đánh nhau được?
Bẵng đi một dạo, rồi chuyện đó đột ngột xảy ra khi cả tôi và nó đã quên đi giấc mơ kia. Tất cả xẩy ra đúng hệt như trong mơ khiến tôi cứ ngỡ nó xẩy ra lần thứ 2 trong cuộc đời mình và giống hệt lần trước.
Sau đó, khi bình tĩnh lại, tôi mới nhớ lại Giấc mơ báo trước của mình.
Hôm đó đột ngột anh trai tôi, yêu cầu tôi theo bế giúp anh chị đứa con gái lớn khi anh lên Vĩnh Phú đón vợ con về Hà Nội. Tôi đi cùng anh 2 ngày và không kịp báo cho Dung biết, vì tối anh nói, thì sáng sau đi luôn. Tôi sang hàng xóm nhờ Thành “béo” nhắn lại cho Dung.
Chiều ngày thứ 3, vừa ra cửa, nhìn thấy Dung, chưa kịp reo lên mừng, nó đã tát tôi liền mấy cái, tôi đẩy nó ra, chưa kịp hỏi chuyện gì, thì cứ thế nó đấm tôi túi bụi. Tôi gắng tìm cách giữ nó lại, nhưng nó càng hung hơn. Một cú song phi trúng ngực khiến tôi ngã bật ngửa xuống đất.
Ba mẹ tôi cũng dân Miền Nam tập kết, nhưng gốc lại là người Hà Nội, chỉ vì cuộc kháng chiến, ba mẹ theo ông nội bị “điều động” vào Nam làm Cách mạng thôi. Còn gia đình nó là dân Nam xịn, theo CM nên phải di rời ra Bắc năm 54 để tránh bị bắt. Nó cũng sinh ra ngoài Hà Nội như tôi, nhưng tính tình nó như con trai, nóng nẩy, bộc trực, ăn to, nói lớn, lại được ba nó dậy cho tí võ vẽ để tự vệ, nên người nó đậm, chắc nịch, ra đòn nhanh và mạnh.
Tôi vốn là cầu thủ bóng rổ xuất sắc của trường và chơi khá nhiều các bộ môn thể thao, trong đó có cả 16 thế võ tự vệ mà tôi khá thành thục, nên mặc dù dáng người mảnh khảnh, cao ráo, nhưng nhanh nhẹn, hai cánh tay và bàn tay cũng cứng như thép. Tôi lại cao hơn nó, nên mặc dù lúc đầu do bị tấn công đột ngột, và không ngờ, nên tôi lúng túng và bị nó đấm, đá ngã lăn ra đất khá đau. Một bác gần đó thấy thế, hét lên lao ra kéo tôi đứng dậy, và chặn nó lại, nhưng tôi gạt bác ra, tự đứng lên và hiểu rằng, phải “chơi cho tới ngã ngũ”, mới biết được chuyện gì đang xẩy ra. Lúc này, tôi không chỉ né tránh và chống đỡ nữa, tôi cũng đánh trả, nhưng ra đòn cầm chừng, vì sợ nó bị thương. Song nó không hề nương tay với tôi, nó ra đòn như đánh kẻ thù. Chỉ tới khi nó quyết dùng hai ngón chỏ và giữa của bàn tay phải suýt chọc mù mắt tôi, nhưng tôi nhanh mắt né được, móng tay chỏ sắc nhọn của nó chọc vào cạnh đuôi mắt trái tôi kéo rách 1 vệt dài ra phía thái dương (khi lành, trông như vệt nhăn sớm cạnh đuôi mắt.) Không đừng được nữa, tôi mới lấy hết sức bình sinh dồn sức mạnh vào đôi tay nhỏ nhắn nhưng cứng rắn của tôi đấm thẳng vào mặt nó liên tiếp như búa máy trong sự tuyệt vọng vì bạn….Khi được bác già kia gỡ ra khỏi nó, tôi thấy mũi nó vẹo sang 1 bên, mồm nó bê bết đang phun máu ra phì phì và chửi tôi làm nó gẫy 2 cái răng. Đứng cạnh nó là con Thành “béo” hàng xóm đang ôm vai nó có vẻ chia sẻ. Bên má tôi máu cũng đang chẩy.
Tôi xuýt bị ba tôi “oánh” cho 1 trận, nếu không có bác kia thuật lại câu chuyện và khẳng định tôi bị Dung tấn công trước, và dù tôi yếu hơn, bị nó đánh khá đau lúc đầu, ngã xuống đất còn bị nó dẫm đạp rất mạnh, nhưng tôi đã kiên cường chống lại, tuy bị nó cho rách đuôi mắt, nhưng cũng làm nó vẹo mũi và gẫy răng. Bác khuyên ba tôi không nên đánh tôi, mà phải hỏi xem chuyện gì.
Tôi chợt nhớ lại Giấc mơ báo trước và cứ tự hỏi lòng, không biết chuyện gì đang xẩy ra? Mãi tới khi đi ra nhà xí công cộng, tôi mới vỡ lẽ mọi chuyện.
Phía trong bức tường của 2 khoang hố xí là những chữ viết bằng than củi của chính con Thành “béo” hàng xóm, chửi Dung là đĩ thõa, giành người yêu của nó, chửi Dung là kẻ giả tạo, thô thiển… và viết ở dưới là tên tôi.
Mặc dù đã bị xóa đi nhưng còn nguyên vết tích. Tôi vỡ lẽ đó là do sự đố kỵ, ghen ghét mà ra. Vì Thành “béo” bằng tuổi tôi, phát triển sớm hơn tôi vể sinh lý, tính đĩ thõa, hay ăn cắp vặt, miệng rộng mang tai, vú dài tới rốn, lại béo ị, ăn tham và xấu tính, nên ngay từ nhỏ, không ai muốn chơi với nó. Khi lớn lên, thêm tính hay đưa chuyện và hay ghen ăn tức ở với bạn bè, nên cũng chẳng đứa nào muốn chơi với nó. Đám con trai và con gái cùng khu gần như bỏ rơi nó. Ở trường nó cũng không có bạn, nó học lớp B tôi học lớp A. Nó học dốt nên ba nó cứ lấy tôi ra làm hình mẫu bắt nó phải noi gương…. Nên nó ghét tôi. Đôi lần, nó đã tìm cách nói xấu tôi với bạn bè lớp tôi, nhưng không ai tin nó, vì ở lớp, tôi là cán sự văn, chơi thể thao, văn nghệ, viết báo tường…. đều khá, lại hòa đồng, nhẹ nhàng, nên ai cũng quí.
Lần này nó đã làm được cho Dung tức giận, nó khoái trí lắm, nhưng nó cũng không ngờ kết cục lại bi thảm như vậy. Sợ tôi tìm ra nguyên nhân, nó gắng xóa nhom nhem chữ đi, nhưng không thể xóa sạch. Tôi gọi chị gái nó ra và kể hết mọi chuyện với chị. Chị nó là người hiểu biết và công bằng, cũng rất quí tôi, nên cẩn thận còn đem vở nó ra so, rồi về mách ba nó, thế là ba nó điên lên đánh cho nó một trận vì cái tính xấu đó, bắt nó sang xin lỗi tôi trước mặt ba mẹ tôi. Anh trai tôi thay mặt ba, dẫn tôi đến nhà Dung xin lỗi vì đã đánh Dung đau và kể lại mọi chuyện. Dung nổi giận, đòi đi đánh Thành “béo” ngay, tí nữa thì lại bị ba Dung tạt tai cho cái nữa, vì tính nóng nẩy. Kể từ đó chúng tôi không chơi với nhau nữa, và tôi rút ra một điều chí lý: Hãy chọn bạn mà chơi!

Ghi chép của TSB


Mittwoch, 21. August 2013

Đừng trách thơ tình thi sĩ!

Category: Thơ đối bạn bè, Tag: Quan hệ tình cảm
02/16/2012 05:49 pm


Thơ tình thi sĩ thả trôi
Là giây phút thoát xác thôi- với đời
Nếu hiểu- thưởng thức thơ chơi
Chớ ôm lòng vội trách- lời thơ đau
Thi sĩ tâm- cũng uá nhầu
Trong lòng ẩn chứa nỗi đau nhân tình
Đôi khi là chính chuyện mình
Đem lòng trang trải- chữ tình xót xa
Nếu ai cũng ép người ta
Thơ hay- tim cũng phải đậm đà...duyên
Thuyền tình thi sĩ chìm liền
Vì chưng "quá tải" tơ duyên thi tình....
Xin đừng nhé- thả lòng mình
Cho thuyền thơ nhẹ trôi miền lãng du
Phải lòng thơ- chớ ghét, thù
Khi tình thi sĩ thả thu lá vàng
Khi hồn nở nụ- xuân sang
Khi tim giá buốt- đông tràn vào thơ
Đôi khi ngây dại, ngẩn ngơ
Vì tà áo mỏng chợt vưà thoáng bay
Thơ hồn thi sĩ tràn đầy
Trách chi có lúc cũng say ngất….tình….

TSB

Dienstag, 20. August 2013

Độc dược TQ đang giết dần giới Sinh viên thông qua các quán cơm giá rẻ

Rùng mình cho những kẻ vì tiền tiếp tay cho TQ giết dần thế hệ trẻ - sức mạnh quân sự và trí tuệ tương lai của Việt Nam. Tại sao nhà chức tách không vào cuộc, lại thả nổi tình trạng này??? Đừng tránh né bằng những lời nhàm chán là "Không quản lý nổi!" và "Ý thức người dân". Cứ phạt thật nặng khi phát hiện độc tố trong thực phẩm và thu hồi giấy phép hành nghề, khắc phải tuân thủ. Hãy nhìn các nước trong khu vực còn đông dân hơn ta như Nhật bản, Philipin, Malaixia, Sinhgapore, Thái Lan....mà họ vẫn quản lý được thị trường của họ.
Những kẻ này còn độc ác và dã man hơn tụi buôn lậu ma túy, vì người dùng ma túy có quyền lựa chọn tự đầu độc mình, còn Sinh viên thì không, vì khọng hề biết mình đang bị đầu độc. (Tiếng Sóng Biển)

SÀI GÒNKhu Làng Ðại Học Thủ Ðức, Sài Gòn có tới 50 quán cơm sinh viên bao quanh, với giá chưa tới 10 ngàn đồng (khoảng 50 cent m) một dĩa cơm trắng với ba món canh, xào, mặn.

Thức ăn được chế biến từ hóa chất. (Hình: báo Người Lao Ðộng)


Nếu không tìm cách lẫn vào bếp để quan sát, người ta sẽ không hiểu tại sao chủ quán có thể lời khi bán cơm phần cho sinh viên với giá “cực rẻ” như vậy.
Một ký giả của báo Người Lao Ðộng tìm cách giả dạng nhân viên phụ việc tại một quán cơm để thu thập tại chỗ thủ thuật chế biến thức ăn của các vị chủ quán. Thì ra họ đã mua thực phẩm ôi thiu bị bỏ đi ở các chợ mang về để chế biến lại cho ngon lành nhờ gia vị và các loại hóa chất khử mùi, tẩy màu... Họ còn dùng cả các loại hóa chất làm cho gạo và các loại thực phẩm nở một thành hai.
Theo báo Người Lao Ðộng, họ đã sử dụng một chất bột trắng hòa tan trong nước. Bất cứ thực phẩm nào từ gạo đến thịt heo, thịt gà, thịt bò được ngâm trong nước bột này trong vài phút đồng hồ sẽ nở ra to gấp đôi. Còn các loại thịt sống bị thiu thối sẽ bốc mùi thơm lừng và đổi từ màu tái đen sang màu đỏ tươi nhờ rắc vào một ít bột đỏ.
Một bí quyết khác được các chủ quán sử dụng tối đa là không bỏ bất cứ thức ăn thừa nào của khách hàng. Họ gom lại để dành chế biến ngay món khác. Những miếng thịt luộc dư thừa có thể được bằm nhuyễn quấn lá lốt để nướng thành bò lá lốt thơm ngon...
Còn với các loại rau cải đã bị vàng úa, chủ quán cũng tận dụng hết mà không bỏ sót một tí nào. Họ chẻ nhỏ, rửa sơ rồi trút một ít hóa chất làm rau tươi rói trở lại và biến thành một món xào hấp dẫn.
Họ còn làm món nước mắm không khác các nhà sản xuất nước mắm “hàng loạt.” Họ đổ một ít nước mắm có sẵn vào sô, cho một ít tương ớt rồi đổ vào nước lạnh, một ít hóa chất, biến thành xô nước mắm ngậy mùi hấp dẫn.
Kết quả là số người mắc bệnh ung thư ngày càng tăng vọt riêng tại Sài Gòn.

Theo nguồn Luongvancan Blog

Montag, 19. August 2013

Níu thời gian

Hình minh họa lấy trên Internet

Thời gian trôi qua như cơn gió thoảng
Vầng trăng mỏng manh thoáng đó lại đầy
Đêm trăng tròn, mưa chớm lất phất bay
Một tuổi mới, đếm từng ngày xa xót…

Rặng núi mờ xa, sương đọng thành giọt
Nắng trốn trong mây, tâm chót vót sầu
Em đếm những ngày, mình được gần nhau
Cứ ngắn dần trong nỗi đau chan chứa….

Mỗi ngày bên anh, tình nồng khơi lửa
Ấm áp yêu thương, đôi lứa đắm chìm
Sợ phút chia xa, em gắng lặng im
Sao nước mắt nhỏ vào tim đau nhói….

Dẫu em biết, yêu anh là chờ đợi
Dám hy sinh, mới tới được An Bình
Giành cho nhau tình trong sáng lung linh
Cuộc đời sẽ cho mình niềm hạnh phúc

Chẳng muốn anh buồn, lệ giấu trong ngực
Giấc không yên, đêm thao thức khôn cùng
Mỗi ngày trôi qua, lòng lại rưng rưng
Em muốn níu thời gian dừng mãi mãi….

Cho em bên anh, không còn sợ hãi
Không lo âu, không khắc khoải u buồn
Tâm bình yên, mưa đời cũng ngừng tuôn

Vầng Nhật Nguyệt sẽ luôn luôn tỏa sáng.

TSB

Lại xa


Phố vắng đêm buồn, không có anh
Xa nhau trăng khuyết mảnh không lành
Chơ vơ nhàn nhạt đêm thinh lặng
Biển gọi lời thương nhớ lắm anh

Đêm nay ta lại phải xa nhau
Chua xót lòng em, biển ngấm sầu
Cay đắng cho đời còn chia cắt
Thương người bên ấy thắt tim đau

Bao giờ mình sẽ mãi bên nhau?
Sóng sánh biển tình thôi uá nhầu
Nước mắt ngừng rơi trong tĩnh lặng
Nỗi buồn chợt đến sẽ qua mau.

Bao giờ em được mãi bên anh?
Ôm trọn tin yêu giữa biển lành
Tình tự vầng trăng chìm đáy sóng
Đêm vàng quyến rũ sáng long lanh?

Gắng chờ đợi nhé, hỡi anh yêu
Em vẫn ngóng anh chiều mỗi chiều
Hơi ấm trong tim xin mãi giữ

Chờ ngày Loan Phượng hết cô liêu

TSB

Sonntag, 18. August 2013

Mừng Đảng Dân Chủ Xã Hội đang hình thành


Từ ngay chính giữa trái tim đất Việt
Một Đảng vì dân nhất quyết hình thành
Xin dốc lòng nối gót cùng cha anh
Vì Tổ Quốc, ta đồng hành tiến tới
Tất cả vì Dân!, Đảng lên tiếng gọi
Dân Chủ, Tự Do, xã hội công bằng!



Chủ tịch Đảng: bác Lê Hiếu Đằng
Nguyện vì dân Đảng còn đang soạn thảo
Cương lĩnh tập trung ý dân tuyên cáo
Sẽ được đăng đảm bảo rất hợp thời
Kiên nhẫn chờ, thời cơ đến bạn ơi!
Phá xiềng xích, giữ trời Viêt Nam sáng.
Tin ở tương lai, ta cùng vào Đảng
Dân Chủ Xã Hội, trang sử mới oai hùng!
Hãy nắm tay vì một sứ mệnh chung
Không phân biệt, chúng ta cùng dấn bước!
Công, Nông, Trí, Binh, trong và ngoài nước
Đều giống nhau, vì Tổ Quốc chẳng ươn hèn!
Đoàn kết đồng lòng, vì nghĩa một phen
Đứng đối lập, tranh quyền lãnh đạo nước
Dĩ hòa, Nhân sinh, Đảng sẽ làm được
Đổi gió chuyển mình dựng khế ước tương lai
Đất nước thanh bình, vươn tới ngày mai
Không còn tham nhũng, không loài sâu bọ
Dân tự làm chủ, nước nhà giầu có
Vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nhiều
Mọi tầng lớp được sống giữa thương yêu
Người già, trẻ nhỏ được giành nhiếu ưu ái.
Dân Chủ Xã Hội nhân danh lẽ phải
Hành động vì Dân, oan trái tiêu trừ!
Vần thơ này thay một bức tâm thư

Xin hết lòng, được "ngụ cư" cùng Đảng!

Tiếng Sóng Biển

TỄU - BLOG: PHÁ XIỀNG!

TỄU - BLOG: PHÁ XIỀNG!: PHÁ XIỀNG Hồ Ngọc Nhuận Nguyên Giám đốc chánh trị chủ bút nhật báo Tin Sáng Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ...

Freitag, 16. August 2013

Chuyến thăm Uyên Kha, Uy trong tù trước ngày xét sử phúc thẩm

Khi đọc bài viết này, tôi đã khóc......Nước mắt cho sự cảm phục tinh thần bất khuất của các em! Những đứa con Việt Nam, đại diện cho tuổi trẻ của một dân tộc Việt kiên cường, không chịu khuất phục. Cho dù bị vu khống, bị bôi nhọ, khép tội oan, bị đọa đày, các em vẫn giữ được tâm trong sáng, vẫn tin vào sự "công bằng" hiếm hoi trong cả một hệ thống kìm kẹp, muốn bóp nghẹt quyền con người và không có dân chủ này. Đứng trước các em, tôi bỗng thấy mình thật nhỏ bé, thật hèn kém.....




Phương Uyên và Nguyên Kha ơi!
Tấm gương các em, ngàn đời ghi nhớ!
Đứng trước cường quyền không hề run sợ
Mái đầu xanh trăn trở vận nước nhà
Cắt tay lấy máu, đòi lại Hoàng Sa
Cấm Trung Quốc động Trường Sa thân thiết!
Tổ Quốc trong tim, lời gọi da diết
Hãy đứng lên, cùng diệt mọi kẻ thù!
Gương mặt sáng ngời, khí thượng ngàn thu
Đang tỏa sáng giữa gông tù, ngục tối
Ngẩng cao đầu: Em hoàn toàn vô tội!
Khi yêu Quê hương, chống đối kẻ thù.

Nụ cười của Phương Uyên không khác nụ cười của Võ Thị Thắng xưa

Hỡi những kẻ hèn, 
Vì cắc bạc đồng xu,
Vì tham danh, giả mù làm nô lệ!
Hỡi những CON NGƯỜI, 
Đừng cúi đầu như thế!
Vinh, nhục là đây, lịch sử để đời!
Thương cho tuổi trẻ của các em tôi
Bị lũ cường quyền dối lời gian chứng
Án tù nặng, bắt các em chịu đựng
Làm quà hiến dâng, "minh chứng lòng thành"
Của lũ tham quan với đám "đàn anh" (TQ)
Hòng giữ ghế, kiếm tiền nhanh.....rồi "phắn"!

Tiếng Sóng Biển

Huỳnh Ngọc Chênh: 

GHI NHANH VỀ CHUYẾN ĐI THĂM UYÊN, KHA, UY TRONG TÙ


Đoàn khách thăm trước cổng trại tạm giam công an tỉnh Long An


GHI NHANH VỀ CHUYẾN ĐI THĂM UYÊN, KHA, UY TRONG TÙ


Huỳnh Ngọc Chênh

Khi Nguyễn Tường Thụy, Lê Quốc Quyết, tôi và một vài bạn trẻ đến cổng trại tạm giam
Long An thì cũng vừa lúc một một băng rôn đỏ rực " Nhiệt liệt chào mừng" được
kéo lên treo trước cổng trại. Tôi nói đùa: "He he, họ nhiệt liệt chào mừng chúng mình đấy".

Đến gần hóa ra là " Nhiệt liệt chào mừng đại biểu dự lễ khánh thành trại tạm giam công
an tỉnh Long An". Nhà tù mới được xây dựng rất to đẹp và hoành tráng trên một khu
đất rộng mênh mông cách trung tâm thành phố Tân An (tỉnh lỵ Long An) khoảng chừng
10km. Vì vậy đường đi đến trại tạm giam rất thuận lợi, đỡ vất vả cho những người nhà
đi thăm nuôi thân nhân trong trại.

Vào trong khu thăm nuôi, chúng tôi bất ngờ khi gặp các anh Huỳnh Kim Báu, Kha
Lương Ngãi, Mai Văn Muôn đại diện cho nhóm nhân sĩ trí thức Sài Gòn đến thăm viếng
và tặng quà cho ba em Phương Uyên, Nguyên Kha và Nhật Uy. Và bất ngờ hơn nữa, khi
thấy blogger Phạm Chí Dũng đang đứng quây quần bên cạnh nhóm bạn trẻ là bạn bè
của Uyên, Kha và Uy. Phạm Chí Dũng đã từ sáng sớm, một mình cỡi xe gắn máy từ
Sài Gòn chạy xuống đây. Gia đình Phương Uyên, bên cạnh anh Linh, chị Nhung là bố mẹ,
còn có em trai nhỏ và cậu ruột từ Phan Thiết vào đi cùng với chị Tân vợ anh Điếu Cày.
Gia đình Nguyên Kha, Nhật Uy thì ngoài mẹ Liên, chị Như là chị cả của Kha, Uy còn
có cô vợ chưa cưới của Uy cùng các cháu nhỏ.

Sáng nay người đi thăm tù khá đông, chúng tôi cùng gom hết chứng minh nhân dân đưa
cho chị Nhung vào đăng ký thủ tục thăm nuôi rồi ngồi chờ. Nhân viên trại tạm giam
Long An làm việc khá nghiêm túc và chấp hành đúng quy định của luật pháp là cho
phép tất cả chúng tôi được vào thăm tù nhân theo nguyện vọng. (Những trại giam khác
như trại giam anh Điếu Cày, trại giam chị Tạ Phong Tần...ngăn cản người thân quen vào
thăm tù nhân là làm trái pháp luật). Rất tiếc, khi chúng tôi đến thì gia đình chị Liên đã làm
xong thủ tục đăng ký thăm nuôi Nguyên Kha và Nhật Uy nên chúng tôi chỉ làm thủ tục
đăng ký thăm nuôi chung với gia đình Phương Uyên.

Nguyên Kha được ra trước tiên, do không đăng ký nên chúng tôi chỉ được đứng ngoài
cửa sổ nhìn vào. Tuy vậy, tôi và Phạm Chí Dũng vẫn vào trong cùng với mẹ và chị gái
của Nguyên Kha. Bên kia khung kiến, chàng trai trẻ cao lớn, mạnh khỏe và tươi tắn
bước ra ngồi vào ghế. Nguyên Kha có khuôn mặt cân đối, ánh mắt sáng, hai hàng lông
mày đậm và sắc tạo ra nét cương nghị của một người đàn ông cứng cõi. Kha cười khá
tươi khi chào mọi người và trong suốt thời gian nói chuyện qua ống nghe với chị gái và
cháu gái. Chị Liên, mẹ Kha ngồi hàng ghế phía sau cùng tôi, chị nói hôm nay chị không
được phép nói chuyện với Kha. Tôi tỏ ra ngạc nhiên, chị giải thích: Những lần thăm nuôi
và gặp gỡ trước đó chị đã nói nhiều, trong đó có những điều người ta cho là bất lợi nên
lần nầy phải viết cam kết chỉ vào thăm chứ không cho tiếp xúc nói chuyện (?) Quy định
chỉ cho mỗi tù nhân được 20 phút nói chuyện với người nhà, nhưng hôm nay, các giám
thị tỏ ra dễ dãi, linh hoạt cho Nguyên Kha ở lại thêm 5 phút. Qua sắc thái tươi tỉnh của
Nguyên Kha suốt buổi tiếp xúc với gia đình và qua hỏi chuyện chị của Nguyên Kha
sau đó, chúng tôi biết rằng tinh thần em rất vững vàng cho phiên tòa ngày mai. Kha rất
cảm động khi thấy các bạn của mình và biết có các nhân sĩ và blogger chúng tôi đến
thăm và gởi quà. Em tươi tỉnh và đầy vẻ tự tin vẫy tay chào chúng tôi trước khi bước vào.

Tiếp theo sau đó là Phương Uyên và Đinh Nhật Uy, tất cả chúng tôi, trên 10 người đều
được vào trong phòng để chờ cả hai bước ra. Tuy nhiên chúng tôi chỉ thấy mỗi Đinh
Nhật Uy với chiếc áo thun vàng nổi bậc và nụ cười thật tươi bước ra vẫy tay chào. Tất
cả các tù nam đều hớt tóc ngắn, riêng Đinh Nhật Uy vẫn để nguyên mái tóc dài như vẫn
thấy các ảnh của em trên facebook, vì Uy chưa phải là phạm nhân (đến bây giờ chúng tôi
thật tình vẫn chưa hiểu Uy bị bắt vì lý do gì, chẳng lẽ vì vài câu chống Trung cộng trên
facebook mà áp em vào điều 258?). Hôn thê của Uy được ưu tiên nói chuyện với Uy
suốt cả buổi thăm nuôi. Uy mới bị bắt nên biết rất nhiều người trong đoàn đến thăm,
vừa nói chuyện với người yêu nhưng thỉnh thoảng vẫn vẫy tay chào chúng tôi bên ngoài.
Sau người yêu là đến chị gái của Uy. Chị Liên cũng không nói chuyện với con trai, chỉ
giải thích: Tôi mới làm việc với nó suốt cả ngày cách đây mấy hôm rồi. Lần này Uy ra
tòa phúc thẫm vụ Uyên - Kha với tư cách người có trách nhiệm liên quan chứ không
phải ra tòa vì chính vụ của Uy. Tài sản của Uy tại cửa hàng điện tử bị tịch thu trong vụ
án Uyên - Kha, và Uy đã gởi đơn kháng nghị.

Phải chờ đến hơn 20 phút thì mới đến lượt Phương Uyên ra.




Anh Huỳnh Kim Báu, đại diện các nhân sĩ trí thức trao quà cho Phương Uyên qua
chị Nhung, mẹ của em

Tất cả chúng tôi hơn 10 người đều đồng loạt bật đứng lên khi một cô gái trẻ thật xinh
đẹp dưới màu áo trắng học trò còn mang bảng hiệu nhà trường bước ra. Chúng tôi
xuýt vỗ tay vang trời nhưng chợt nhớ lại không được phép làm ồn tại phòng thăm nên
dừng lại. Em sáng lóa và rạng ngời với nước da trắng ngần không thua màu trắng tinh
của chiếc áo nữ sinh mà em đang mặc. Khuôn mặt em đầy đặn và cương nghị với ánh
mắt rạng ngời sau đôi kiếng cận gọng đen. Em chỉ nhìn chúng tôi gật đầu chào trước
khi ngồi xuống mà cảm xúc chúng tôi dâng trào. Mắt Nguyễn Tường Thụy dường như
đang nhòe đi. Chị Tân khẽ nhắc: Anh đừng khóc đấy nhé. Rồi nắm tay kéo Thụy ra sau
trong khi tất cả chúng tôi dồn vào đứng vòng quanh sau lưng anh Linh và chị Nhung,
bố mẹ của Uyên. Em trai 8 tuổi của Uyên được giám thị cho chạy vào bên trong ôm
chầm lấy chị, hai chị em tíu tít hôn nhau.

Vì có tên đăng ký chính thức thăm Uyên nên tất cả chúng tôi đều được nói chuyện với
Uyên. Sau một hồi tâm sự với nhau, ba mẹ Uyên nhường ống nghe cho chúng tôi. Anh
Huỳnh Kim Báu nói trước. Anh giới thiệu thành phần trong đoàn đến thăm cho Uyên
biết và động viên em tiếp tục cứng cỏi, kiên định nếu thấy rằng chọn lựa của em là đúng
đắn. Cũng cần phải nhắc lại rằng anh Huỳnh Kim Báu là cựu tù 8 năm ở Côn Đảo
trước năm 75. Sau anh Huỳnh Kim Báu là hai anh Kha Lương Ngãi và Mai Văn Muôn
là hai nhà báo kỳ cựu của SGGP và đài VOV. Phạm Chí Dũng vừa ở tù ra nên có
nhiều chuyện để nói với Uyên, anh cũng nói với Uyên về nội dung một cuốn sách mà
anh vừa gởi tặng cho em. Tôi hỏi thăm em chuyện ăn ở trong tù và cho em biết tinh thần
và thái độ của em ở phiên tòa sơ thẫm rất ấn tượng đã gây ra sự xúc động trong lòng
mọi người, mong em giữ nguyên tinh thần đó trong phiên tòa ngày mai. Tôi hỏi em có
nhắn nhủ gì với bạn bè bên ngoài, em nói: Cám ơn tất cả sự quan tâm của mọi người
dành cho hai em và em tin rằng sự công bằng sẽ đến với hai em trong nay mai.

Nguyên Kha và đặc biệt là Phương Uyên là niềm tin, là nguồn cảm hứng của Nguyễn
Tường Thụy nên anh đã viết đến 15 bài về vụ án của hai em. Từ lâu anh đã tự xem
Phương Uyên là con của anh. Anh bay từ Hà Nội vào để dự phiên tòa và để mong gặp
em. Cách đây hai ngày, anh đã gặp ba mẹ Uyên và nói lên nguyện vọng muốn nhận
làm cha nuôi Phương Uyên. Anh Linh và chị Nhung rất cảm động nhận lời nhưng nói
rằng cũng còn tùy thuộc vào Phương Uyên. Thế nên hôm nay, khi ngồi đối diện với
Phương Uyên, cầm ống nghe lên và nghe Phương Uyên thốt lên chữ cha trìu mến,
Nguyễn Tường Thụy đã bậc khóc, nước mắt anh ràn rụa. Một blogger cứng cỏi,
một người lính kiên cường đã để cho sự nhạy cảm của một nhà văn lay động tấm lòng.

Lê Quốc Quyết và các bạn trẻ khác của Phương Uyên cũng được nói chuyện với
Phương Uyên. Và dường như Phương Uyên đã truyền niềm tin đến cho mọi người.
Nên sau đó, Lê Quốc Quyết đã ghi trên facebook: Đi thăm Phương Uyên để động
viên tinh thần em và gia đình, không ngờ khi gặp em thì mình được động viên tinh thần
nhiều hơn. Liệu có quá không khi mình nói rằng "đất nước này cả thế kỷ giờ mới có
được con người như em"!

Không quên cám ơn các anh cán bộ ở trại tạm giam Long An. Các anh đã làm việc rất
nghiêm túc và đối xử hòa nhã, thân thiện với tất cả người đi thăm trong đó có anh em
chúng tôi. Bên cạnh đó, do trại giam mới xây dựng nên cơ ngơi khá khang trang, chỗ
chờ của thân nhân và phòng thăm nuôi khá lịch sự và thoáng mát. Tuy vậy vẫn có một
nhân viên an ninh cầm camera liên tục chụp ảnh và ghi hình chúng tôi, không biết để
làm gì trong khi đó chúng tôi đã gởi giấy chứng minh có hình ảnh và đầy đủ các thông
tin cá nhân cho bộ phận tiếp nhận đăng ký thủ tục thăm nuôi.



TƯỜNG THUẬT PHIÊN TÒA PHÚC THẨM XÉT XỬ HAI SV YÊU NƯỚC




TƯỜNG THUẬT PHIÊN TÒA PHÚC THẨM XÉT XỬ HAI SINH VIÊN YÊU NƯỚC
NGUYỄN PHƯƠNG UYÊN VÀ ĐINH NGUYÊN KHA

Hôm nay, 16.8.2013 tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ hai sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha. Phiên tòa được nói là công khai, nên ngay từ nhiều ngày trước rất nhiều người quan tâm đã đổ về Sài Gòn rồi Long An để được tham dự.

Chiều qua, đông đảo các nhân sĩ trí thức, các blogger nổi tiếng đã đến trại giam để thăm gặp hai em Uyên và Kha. Trong số họ có các vị: Huỳnh Kim Báu, Huỳnh Ngọc Chênh, Kha Lương Ngãi, Nguyễn Tường Thụy...Cuộc gặp diễn ra trong thời gian không dài nhưng mọi người đều vui mừng vì thấy sức khỏe và tinh thần các em khá tốt.

08h00: Anh Viễn Nguyễn từ HN vào dự tòa, vừa bị đưa lên xe ô tô để đưa về đồn CA Tân An.
Anh Trương Dũng cũng đã bị bắt vào đồn cùng anh Viễn.

LM Thoại: Hai bên GD vẫn chưa ai được vào trong toà! Đã bị bắt đi 3 người: Thuý Nga, Anh Dũng, Anh Nguyễn Thiện! 

NTT thông báo: Không khí khủng bố bao gồm khắp phiên tòa. An ninh đã bắt đi Viễn, Phan Trung Lương, mẹ con Trần Nga và Trương Dũng, tất cả là 4 người.

Nhà báo Kha Lương Ngãi bị bắt đưa về đồn.
(Ông Kha Lương Ngãi nguyên là Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, TP HCM)


Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh đang có mặt tại trước cửa tòa án cho biết: Ngoài việc 4 người bị bắt, công an còn xông vào giằng co cháu bé Tài trên tay chị Thuy Nga (mẹ của bé). Sợ nguy hiểm mọi người chặn xe không cho công an chở đi. Ông Huỳnh Kim Báu phải nằm xuống trước bánh xe để chặn xe lại.

Trước đó, vì không ai được vào phiên tòa, kể cả chị Nguyễn Thị Kim Liên là mẹ của Kha và Uy nên mọi người tổ chức biểu tình tại chỗ, hô vang khẩu hiệu phản đối phiên tòa "công khai" và đòi trả tự do lập tức cho các em.

Tiếp đó, mọi người bắt đầu đi bộ tuần hành một vòng thành phố Tân An rồi mới trở về trước cửa tòa án.

Hôm nay, có hàng trăm nhân viên an ninh làm việc quanh tòa, với các công cụ trấn áp và vẻ mặt bặm trợn. 

09h30: Luật sư Hà Huy Sơn đã trở ra. Ông cho biết tòa án đã mời ông ra ngoài vì Nguyễn Phương Uyên từ chối luật sư bào chữa.

Như vậy, phiên tòa hôm nay không có thân nhân nào có mặt trong tòa, mà cũng không có luật sư bào chữa. 

Luật sư Hà Huy Sơn cho biết: "Cả ba bạn Uyên, Kha và Uy đều từ chối luật sư. Lý do, các bạn này cho rằng phiên tòa đã có bản án, luật sư vào chỉ trang điểm cho phiên tòa mà thôi, nên không cần. Chính các bạn sẽ lên tiếng tự bảo vệ mình trước phiên tòa. Tinh thần các bạn rất mạnh mẻ, rất cương quyết và luôn luôn khẳng định mình vô tội. Chỉ chống Trung Quốc, không chống Việt Nam." (Theo VRNs). 

Bà Nguyễn Thị Nhung, mẹ của Phương Uyên tuyên bố sẽ chết tại sân Tòa án. Công an đang bu lại rất đông. (VRNs).

Từ Long An, blogger Nguyễn Tường Thụy mô tả "Không khí khủng bố trùm khắp phiên tòa!"

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho biết: Sáng nay có rất đông các nhân sĩ trí thức, các nhà hoạt động đã tới quan sát phiên tòa như: các ông Huỳnh Kim Báu, Kha Lương Ngãi, nhà thơ Hoàng Hưng, Tô Lê Sơn....Một xe chở bà con từ Vũng Tàu thì đã bị chặn không tới được tp Tân An của tình Long An.

Từ Lanney Tran cho biết: 

10h30 Tòa tạm ghỉ giải lao. Nguyên Kha được đề nghị mức án từ 5-6 năm, Phương Uyên vẫn y án 6 năm. Đến 14h chiều sẽ tiếp tục diễn tuồng..

Mọi người ở ngoài tòa án hô to khẩu hiệu "Đả đảo Trung Quốc xâm lược!", "Đả đảo tay sai bán nước!". Mọi người vừa đi vừa biểu tình trên đường Trương Định về phía siêu thị Coop Mark. Phiên tòa dự kiến sẽ bắt đầu trở lại lúc 2 giờ chiều.

Khi xe các bị cáo đi ngang qua, tuy không có ai thấy rõ những người bên trong, nhưng theo lời của LS Hà Huy Sơn, cả 3 đều ở trong và Đinh Nhật Uy không phải là bị cáo. 

Theo lời chị Dương Thị Tân, mẹ của Uy & Kha là chị Kim Liên trong lúc dằng co để giữ người (1 bác lớn tuổi lúc đang bị an ninh kéo đi) thì chị Kim Liên bị té, xỉu và bị thương cột sống. Bà con nằm xuống đường để cản xe bắt người đi, an ninh không nương tay đánh đập bà con để mở đường cho xe, bản thân chị Dương Thị Tân cũng bị đạp vào bụng.

Trước đó bố của Đinh Nguyên Kha cũng bị công an bắt đưa đi đâu không rõ.  

11h10: Hai mẹ con chị Trần Thuy Nga đã được trả tự do. 

Một số hình ảnh từ Fb Thuy Trang Nguyen - Truong Dung:


Hai mẹ con Trần Thị Nga (Hà Nam) băng qua đường


Mọi người nằm xuống đường chặn xe cảnh sát không cho đưa mẹ con Trần Thị Nga đi




Chị Nhung (mẹ Phương Uyên) quá bức xúc vì những gì diễn ra hôm nay, hiện ngất xỉu...

11h30: Nhà báo Kha Lương Ngãi, anh Nguyễn Viễn (từ Hà Nội vào) đã được trả tự do ngay sau khi phiên tòa buổi sáng kết thúc.

Mọi người cùng nhau đi ăn trưa, lấy lại sức để chiều xem diễn tuồng tiếp. 


BUỔI CHIỀU:

Buổi chiều: gần một trăm người vì không vào được tòa án nên tập trung thành đoàn biểu tình quanh các đường phố Tân An hô vang khẩu hiểu Phương Uyên, Nguyên Kha vô tội, trả tự do cho người yêu nước...có mặt trong đoàn thấy có các nhân sĩ Huỳnh Kim Báu, Tô Lê Sơn, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà báo Kha Lương Ngãi (mới được thả ra lúc 11g30), Bùi Hằng, Nguyễn Thị Tân, Nguyễn Hoang Vi An Đổ Nguyễn, Đốp Catherine, Cha Đinh hữu Thoại, Quyet Le Quoc , mẹ con Thuy Nga (mới được thả ra), Hoàng Dũng Cdvn, các bạn trẻ No U, bà con Bà Rịa Vũng Tàu...

Hiện đoàn đang đi quanh phố và kéo ra lối sau tòa án. Lực lượng công an chỉ ngăn chặn không cho vào khu vực tòa án, còn đoàn biểu tình mang theo nhiều khẩu hiệu đi quanh phố không bị ngăn chặn và quấy rối. Chính quyền Long An tỏ ra tôn trọng quyền biểu tình của người dân.

Chiều nay 3 giờ tòa tuyên. Theo thông tin truyền ra, phiên buổi sáng Nguyên Kha xin giảm án nhưng không hề nhận tội. Phương Uyên vẫn cứng cỏi tự bào chữa và tuyên bố mình vô tội.

Đoàn biểu tình đang quay về cổng trước tòa án hô vang nhiều khẩu hiệu. 

Chùm ảnh trên FB của Vy Vu và Đinh Huu Thoai:

 12
 13
 14
 15
 16

Theo Blog Tễu

Tin mới nhất vừa nhận được:  - Đinh Nguyên Kha bị xử 4 năm tù giam
                                                          - Nguyễn Phương Uyên 3 năm án treo (theo Bà Đầm Xòe)

 
Ls Nguyễn Thanh Lương, người duy nhất có mặt tại phiên tòa sáng nay (mặc dù Uyên & Kha từ chối luật sư, nhưng Ls Lương có mặt để đại diện cho Uy vụ dân sự – đòi lại tài sản) cho biết trong phiên tòa, Phương Uyên đã hùng hồn tuyên bố: “Tôi không cần giảm án. Tôi chỉ cần toà xử đúng người đúng tội. Tôi cho rằng chống ĐCS không phải  là chống phá đất nước, dân tộc. Các ông đừng đánh đồng!”

Donnerstag, 15. August 2013

Biển chờ


Anh hay chăng, bản tình ca của biển?
Muôn đời sóng xô, dâng hiến tim mình.
Anh có hay, tâm em sáng lung linh?
Dành riêng anh mối tình đầy tha thiết.
Biển mang hồn em, muôn đời bất diệt
Cho sóng nôn nao mải miết vỗ bờ
Bát ngát trải lòng bằng những vần thơ
Trong sâu thẳm, giấc mơ đời luôn giữ
Khát khao tình anh, thả ngàn câu chữ
Giấc mộng trăm năm  ấp ủ suốt đời
Tim luôn thầm gọi hai chữ “Mình ơi!”
Dù cạn đáy, vẫn lưu lời âu yếm
Chân trời dẫu xa, tình anh hiển hiện
Phút giây thôi, cũng khiến biển nao lòng
Chênh chao sóng cồn, trời rộng mênh mông
Biển vẫn mãi chờ mong ngày đoàn tụ


Tiếng Sóng Biển

Giấc mơ thứ 3: Cậu ruột tôi


Hôm đó, tôi đang ngồi trong lớp, gần hết tiết học, tự dưng tôi buồn ngủ kinh khủng. Không thể cưỡng lại được, tôi chìm đi trong tư thế ngồi chống cằm. Không một ai biết tôi đang ngủ, vì tôi vẫn mở mắt. Đầu óc tôi tê dại, mê đi, nhưng tôi chắc chắn mình vẫn nghe lời thầy nói và thấy thầy đi qua đi lại giữa lớp. Nhưng có lẽ tất cả chỉ dừng ở ngoài nhãn cầu của tôi. Còn đầu óc tôi chìm vào một Giấc mơ không cưỡng lại được.
Tôi thấy mình đi vào một con đường hầm tối om, ngược chiều với một đoàn quân bộ đội đeo ba lô nặng trĩu trên vai, tôi nhìn vào mặt các anh và tự dưng cứ muốn tìm cậu ruột của tôi. Cậu là đại úy quân đội pháo binh hồi kháng Pháp, đã giải ngũ về lấy vợ và có 2 đứa con gái xinh đẹp, nhỏ hơn tôi, nhưng không hiểu sao, cậu lại cũng rất yêu quí tôi. Đi đâu, cậu cũng nhớ mua quà dành riêng cho tôi. Ngày cậu bị gọi trở lại quân ngũ lên đường vào miền nam, cậu ghé thăm và mua quà cho tôi, ôm chặt tôi vào lòng dặn dò đủ thứ, hôn vào má tôi rồi mới đi.
Đoàn quân cứ lặng lẽ đi còn tôi cứ chạy ngược xuống phía xuôi và gọi tên Cậu. Tôi đi mãi và tới một dòng sông nước đen ngòm. Có 1 chiếc bè vừa rời khỏi, tôi thấy đứng trên đó là Ông Bà Nội, Ông Ngoại, một người chú họ, và 2 người nữa, tôi không biết nhưng toàn người đã chết lâu rồi, Cậu tôi lại cũng đứng trên đó và tất cả đang đuổi tôi quay lại, tôi không muốn, nên lên tiếng gọi Cậu quay về cùng tôi, rồi giật mình tỉnh hẳn, vừa lúc hết giờ học.
Tôi không tin là mình vừa thấy những hình ảnh đó, nhưng nó cứ ám ảnh trong tôi. Tôi quay sang hỏi thằng Hải là tôi vừa ngủ gật hả? Nó nói, mắt bà mở trừng trừng chứ ngủ nghỉ gì. Đầu óc bà làm sao thế? Chẳng lẽ ngủ hay không, cũng không biết hay sao?

Trên đường về, tôi đi ngược chiều với 3 xe tải chở bộ đội chạy chậm chậm, tôi sán lại gọi “Cậu ơi!, Cậu ơi!” các chàng lính cười ầm lên và một người gọi với, “Bé phải gọi cả tên thì mới tìm được chứ”. Tôi gọi cả tên cậu ra, một vài người nhận, nhưng đều không phải, có người thì nhận là “Chú”, có người đùa lại cứ nhận là “Anh”. Về sau có 1 chú vẻ cứng tuổi xuống hỏi tôi sao lại đi tìm Cậu kiểu này? Rồi cho tôi địa chỉ trung tâm tuyển quân của Hà Nội bảo tôi tới đó mà tìm. Tôi cũng thấy mình vô lý, nhưng vì bị Giấc mơ thoáng qua đó ám ảnh, nên tôi mới có hành động như vậy.
Khi về tới nhà thì thấy Bà Ngoại tôi ngồi đó khóc sưng cả mắt. Tôi ôm lấy bà và hỏi thì bà nói mơ thấy Cậu tôi về, hỏi không nói lẳng lặng bỏ đi. Chắc Cậu tôi mất rồi….Cả nhà tôi hết sức động viên Ngoại. Sau đó tôi kể cho mẹ tôi nghe về giấc mơ thoáng qua ở lớp của tôi cũng gây ấn tượng không tốt trong tôi. Nghe vậy, mẹ tôi sợ có chuyện gì với Ngoại trên đường về Thái Bình nên bắt Ba tôi nghỉ 1 ngáy phép đưa Ngoại về tận nơi an toàn. Nhưng sau đó ít lâu thì Ngoại tôi mất vì bệnh, mà vẫn không có tin báo tử của Cậu. Nhưng cũng từ đó, mợ tôi không nhận được thư của Cậu nữa, cả nhà cứ tự động viên là vì Cậu đi vào Nam, bom đạn nên thư không ra được….
Sau ngày Thống Nhất cũng không thấy Cậu trở về, không cả giấy báo tử. Cả nhà lại đoán già đoán non là “Cậu lưu lại làm công tác bí mật” chăng? Rồi không thể chờ được nữa, Mợ lên tận Huyện đội hỏi mới vỡ lẽ ra là cậu đã hy sinh ngay thời điểm tôi và Bà Ngoại mơ thấy điềm báo. Một trái Rocket đã bắn trúng hầm chỉ huy của Cậu.

Ghi chép của Tiếng Sóng Biển