TSB đọc được bài này mà thấy xót xa cho VN mình đang dần đánh mất đi bản sắc và truyền thống dân tộc. Sự vô cảm với chính trị, thời vận đất nước, với mọi thứ đang xảy ra quanh mình của không chỉ giới trẻ VN, mà chính cả sự an phận thủ thường của những người lớn, sự ích kỷ, sợ hãi bị mất đi những gì mình đang có, tiền bạc, tài sản, chỗ đứng, việc làm, danh nghĩa.... dù chỉ tí ti của riêng mình đã khiến mỗi người dân VN trở thành những kẻ hèn nhát, vô hình chung góp tay với bọn quan tham bán nước hại dân.
Sự vô cảm đang giết dần thế hệ trẻ và vùi tương lai VN vào vũng bùn nô lệ, vì sự phân rã, nghi kỵ và sợ hãi. Họ biện mình cho họ bằng nhiều lý lẽ. Song trên tất cả là sự phó mặc, buông xuôi kiểu: Người khác sống được, ta cũng sống được.
Nỗi đau của một dân tộc đang tự vùi chôn chính mình trong vô cảm khiến LS Lê Văn Luân viết bài này với quặn thắt nỗi niềm cay đắng. Còn TSB thì thấy chua xót cho quê hương khi chính dân mình không hiểu được điều gì đang đè nặng lên đầu họ và chỉ có chính họ, nhân dân VN chứ không ai hết, phải tự cứu lấy đất nước này, dân tộc này thoát khỏi chế độ độc tài thân Trung cộng để vươn tới tương lai.
Tự bao giờ họ trở nên vô cảm?
Với người chung quanh, sợ chẳng dám dấn thân?
Chỉ lo đạt được những thứ họ cần
Mặc xã hội rối ren, người dân khốn khổ
Họ quay lưng, ngoảnh mặt để cho chúng nó
Bọn gian tham xô đổ nghĩa luân thường
Triệt tiêu hết mọi tình cảm yêu thương
Tấm lòng nhân, sự kiên cường nghĩa khí
Cố tình làm ngơ, sống không có chí
Cúi đầu lặng im, cốt chỉ yên hàn
Mặc cho côn đồ vung gậy dã man
Mặc bọn lưu manh chửi càn khuấy đảo
Mặc cán bộ cậy quyền làm láo
Mặc lũ cuồng điên tráo trở hại người
Mặc Tổ quốc bị Trung xé tả tơi
Mặc họ Tập tuyên bố lời man trá
Mặc ngư phủ bị giết trên biển cả
Mặc dân oan mất tất cả kêu gào
Mặc đất nước bị buôn bán đổi trao
Mặc tham nhũng thành phong trào rộng khắp....
Bọn vô cảm không bênh Đảng chằm chặp
Cũng lặng im, mặc cho giặc tung hoành
Chỉ tìm mọi cách làm giầu thật nhanh
Hay hèn nhát biến mình thành sâu bọ....
Chúng lý luận, đâu phải việc chúng nó?
Mọi chuyện kia đã có kẻ lo rồi
Cứ yên phận làm thân nô lệ thôi
Sẽ êm ấm cả một đời
đầy đủ.....???
Tiếng Sóng Biển
FB LS Lê Văn Luân
2-12-2015
.
Tôi không biết bắt đầu từ đâu và từ ai để nói về những gì mình đang định nói ở đây và vào lúc này. Tôi thấy thất vọng, buồn đau cho dân tộc mình đã nghèo lại còn hèn, nhưng trên hết là sự vô cảm của những con người nhỏ mọn, ích kỷ và trơ tráo trên tổ quốc máu thịt của mình.
Gần như cả một thế hệ trẻ thờ ơ với đất nước, với quê hương, với sự lạc hậu, trì trệ, nghèo đói và những bất công chồng chất ở khắp các ngõ, xóm, trong từng mái nhà và trên vai mỗi con người đang sống trên mảnh đất này. Chúng vẫn mặc kệ, vẫn tìm đủ lý do để chối bỏ trách nhiệm xã hội, trách nhiệm đồng loại trong con người họ.
Chúng vẫn ăn, ngủ, tụ tập chơi bời, hú hí tình nhân, vẫn bỏ đi khi gặp người tai nạn trên đường hay né tránh phiền hà khi thấy cảnh bất công. Chỉ vì lẽ, đó không phải việc của mình.
Chúng được giáo dục, nhưng không phải như cái thời của ông Nguyễn Đình Chiểu còn viết Lục vân Tiên cứu giúp người bị nạn ngang đường.
Chúng trẻ, nhưng ngủ mê, không rèn luyện sức khỏe cơ thể, không trau dồi tri thức, nhất là tìm tòi và học hỏi ở thế giới văn minh, mà luôn tự ru ngủ và tán thưởng mình rằng bản thân đã cố gắng nhiều lắm, đã qua kỳ thi, đã đạt điểm tốt, hay chí ít là đã kiếm được một công việc ổn định nào đó rồi. Vậy là xong.
Chúng sợ nói về chính trị, vì chúng không có tri thức để hiểu và thấy nó hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày, ở mọi mặt đời thường. Chúng cũng sợ vì, đơn giản, chúng không đủ hiểu biết. Và chúng cũng không có tình người, không dám vì lẽ phải mà sống cho đúng. Và dần rồi chúng trở thành vô cảm, thờ ơ với cuộc sống quanh mình, ngoại trừ nhu cầu hay mối quan hệ lợi ích trực tiếp đến chúng.
Và cũng từ đó, dần chúng trở nên dối trá và tự huyễn bản thân, rằng mình đã sống tốt.
Chúng ta cũng đã gần nửa thế kỷ để bắt đầu xây dựng đất nước. Nhưng hầu hết mọi sự bi ai của dân tộc đều vẫn hiển hiện như một sự thật quá lớn vượt ra khỏi bờ cõi quốc gia. Chúng ta nghèo, chúng ta tụt hậu về kinh tế, về nền giáo dục, khoa học bằng không đối với thế giới, môi trường ô nhiễm, văn hóa đảo lộn và tụt dốc đến mức tha hóa, con người đối xử tàn ác với nhau và tham nhũng thành quốc nạn mà không thể nào kiểm soát…
Làm sao có đủ ngôn từ để tôi nói hết được sự thật đang chất chồng trên quê hương mình, trên những lương tri bị trói buộc và nô lệ đã quá lâu? Và tìm đâu sự thật khi sự dối trá, che đậy đã trở thành một thói quen mang tính dân tộc và hệ thống?
Những con người của thế hệ trẻ, chẳng màng gì đến sự vận động của xã hội, của đất nước. Chúng chấp nhận thừa hưởng sự an lạc trong bổn phận chật hẹp đã được sắp đặt của đời mình. Họ không tìm kiếm hay khai phá điều gì, ngay cả việc dám nói lên sự thật của cuộc sống hỗn mang ngoài kia.
Có lẽ, chúng đang tồn tại một cách khổ cực nhất mà tôi từng thấy. Tâm thức bần hàn và hèn mọn đã lên ngôi. Chúng chỉ nói lớn, hô hào khi ngồi với “đàn bà” hay mạnh miệng, hiểu biết về những thú vui, quán xá, đồ hàng trong góc nhỏ nào đó. Chúng chỉ có vậy, để khoe mẽ và tự hào về sự hiểu biết của mình. Chúng khoác lác, và lại ru tiếp vào tai những người dám dấn thân về nỗi sợ hãi của chính mình, để người khác cũng từ đó mà bỏ cuộc hay bị lây lan tính cách hèn hạ của chúng.
Sự vô cảm, đã trở thành sự thật hiển nhiên. Nó đang giết đi xã hội và cuộc đời này. Nên hãy tỉnh thức lại để khai sáng dân trí, tương trợ đồng loại của mình. Vì một ngày nào đó, mọi thứ bất công ngổn ngang ngoài kia có thể ập đến với mỗi chúng ta bất kể lúc nào. Khi đó, bạn sẽ hiểu được sự vô cảm của mình lúc trước nó thực sự là một tội ác đối với người khác trong cơn hoạn nạn.
Chúng ta, không có hai cuộc đời để sống, và đã sống thì phải sống cho ra sống. Cũng như tôi đã nói, sống một cách đàng hoàng, chết một cách tử tế.
Và, đừng sống chỉ để cho cuộc đời lãng quên.
TSB trả lời một người bạn
AntwortenLöschenBạn ơi, xót nước, thương nhà
Mới phải lên tiếng nói ra mọi điều
Hy vọng Tổ Quốc thân yêu
Vẫn còn chí khí ít nhiều đứng lên
Đan tay kết nối mọi miền
Vượt qua khổ nạn bình yên lâu dài
Mong con cháu sáng tương lai
Dẫu mình mỏi mệt, chẳng hoài tuổi xanh.
Cám ơn anh đã ghé thăm TSB và san sẻ tâm sự. Những bài viết của anh hay lắm.
Biết mình hạt cát trên sa mạc đời.
Biết lời mình giữa trùng khơi,
Chỉ như gió thoảng qua rồi ai hay?
Song vì nghĩa nước nhà dầy,
Thương dân chua xót đắng cay tiếng lòng
mới phải lên tiếng thôi anh ạ. Hy vọng có ai đó nghe thấy chăng.