Mặc dù ĐCSVN cố tình tôn vinh, tô vẽ, ca ngợi ông Hồ hết lời nhằm biến ông thành Thánh sống, thì ông vẫn chỉ là con người. Cũng có những khát khao, thèm muốn và tật xấu..v.v... y như một người bình thường, song ông buộc phải giữ gìn hơn cho xứng đáng là một vị Lãnh tụ trước dân. Ông chỉ khác người ở chỗ là một vị Chủ tịch nước, nhưng ông giản dị, không tham lam tư lợi và chân thành. Những gì ông khuyên bảo cán bộ đảng viên là nhằm xây dựng uy tín, lòng tin của nhân dân với Đảng Lao Động Việt Nam do ông sáng lập. Âu đó cũng là "tấm gương" cho lãnh đạo Việt Nam bây giờ học tập.
Song qua bao nhiêu cuộc phát động phong trào "học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại" kéo dài hàng hơn nửa thế kỷ, nhưng chẳng thấy đoàn viên, đảng viên nào tốt lên, chỉ thấy ngày càng tồi tệ hơn. Đảng Lao Động Việt Nam ̣đi từ được nhân dân tin yêu và "một lòng theo Đảng", đến khi đổi thành "ĐCSVN" bỗng từ từ bị dân "mất lòng tin" rồi "xin ra khỏi Đảng", "đơn thư kiến nghị" hy vọng Đảng thay đổi, trả lại tên cũ và.... "căm thù CS". Khiến những đảng viên lão thành vượt qua được nỗi sợ hãi cố hữu phải lên tiếng.
Những tiếng nói tự tim, chân thành với ước vọng Đảng sẽ thay đổi cho nhân dân được nhờ. Những tiếng nói của những người sắp đi vào cõi vĩnh hằng không còn màng danh, lợi, không thể là những lời nói giả dối, phản bội Tổ quốc.
Nếu cán bộ, đảng viên ĐCSVN ngày nay làm đúng những gì ông Hồ mong muốn, chính là phải thực hiện đúng những gì mà Hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã qui định. Chứ không phải những bản Hiến pháp sau này bị biến tướng theo ý của các Tổng bí thư, không thông qua sự phúc quyết của toàn dân như kiểu "lấy ý kiến nhân dân" nhưng những ai có ý kiến trái chiều, đều bị ông Trọng coi là "phản động" trong kỳ thay đổi Hiến pháp năm 2013.
Lá thư của ông Hồng Anh, một đảng viên kỳ cựu đã mở mắt cho những ai còn u mê thấy được sự thật về ĐCSVN hiện nay đang lạc đường hoàn toàn. Họ chỉ lấy "Tấm gương của Bác" ra làm bùa mê thuốc lú, buộc dân tộc này phải tuân phục Trung Quốc vì lý do "Bác Hồ và Bác Mao đã có công vun đắp tình hữu nghị lâu đời giữa hai dân tộc Việt - Trung".
Mỗi giai đoạn lịch sử, chúng ta phải có thái độ rõ ràng dứt khoát với người láng giềng khổng lồ nhưng bẩn tính, hay tráo trở và chưa bao giờ từ bỏ ỵ đồ nuốt trọn Việt Nam như Trung Quốc.
Trong lúc TQ ngang nhiên tuyên bố chiếm trọn Biển Đông, xây căn cứ trên các đảo do dùng vũ lực bắn chết bộ đội Việt Nam để cướp, bắt bớ, xua đuổi, phá ngư cụ, đâm chìm tầu cá của ngư dân Việt Nam, chặn đường sinh sống của họ ngay trên vùng biển là ngư trường truyền thống của họ vốn thuộc chủ quyền của việt Nam từ trước tới nay, khiến họ phải lang bạt kiếm ăn xa hơn, xâm phạm lãnh hải của nước bạn, khiến bị đốt tầu..... Mà ĐCSVN vẫn tiếp tục rêu rao "giữ vững tình đoàn kết hữu nghị" với "kẻ thù truyền kiếp" đã từng được TBT Lê Duẩn xác lập trong Hiến pháp năm 1980 hay sao?
Theo thiển ý của TSB thì thà thoát Trung, dân mình chịu khổ một thời gian, tự lập, tự cường, dựa vào các mối làm ăn nghiêm chỉnh theo các hiệp ước như WOT, TPP... và thực hiện đúng như "Lời Bác Hồ dậy", tất cả các cán bộ, đảng viên nào dính vào tham nhũng, hối lộ đều phế truất không thương tiếc. Cho phép nhân dân bất kể chính kiến, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình đều có quyền ứng cử vào vị trí lãnh đạo các cấp chính quyền như Bác Hồ đã từng kêu gọi cho cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946.
Đảng CSVN chỉ có quyền áp đặt qui định với 4 triệu đảng viên của mình hay các chức danh của đảng mà thôi. Nếu đảng viên nào giỏi, được dân tín nhiệm bầu vào các cương vị lãnh đạo, đều phải tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật VN như một công dân bình thường.
Giai đoạn đảng lãnh đạo cướp chính quyền đã qua rồi. Bây giờ cần sự đóng góp trí tuệ, năng lực và công sức của toàn dân để xây dựng VN phát triển mạnh về kinh tế, vững về chủ quyền.
Còn giữ độc quyền, Đảng sẽ không bao giờ triệt nổi bọn tham quan và nhũng nhiễu dân lành, bởi chúng được Đảng cử ra, giao phó trách nhiệm, nên không lẽ Đảng tự chặt chân mình? Mà động vào tham nhũng là động tới các nhà lãnh đạo cao cấp nhất trong Đảng, từ trung ương tới địa phương, vậy lấy ai chống ai? Chính vì vậy, TBT Nguyễn Phú Trọng mới sợ "đập chuột không khéo, sẽ vỡ bình".
Cũng chính vì loanh quanh luẩn quẩn chỉ có 4 triệu đảng viên/ 92 triệu dân Việt Nam, mà lại được thâu tóm mọi quyền và lợi của đất nước, khiến đại đa số đảng viên trẻ vào đảng sau này toàn dân cơ hội, không có tư cách, nên ĐCSVN cứ sài tiền thuế dân thoải mái để họp hết hội nghị này, tới hội nghị khác mà chẳng tìm ra ai không dính chàm để xứng đáng làm lãnh đạo, đành sử dụng những người kém tài đức, chỉ biết dựa vào ngoại bang, cho dù nó là kẻ thù, cho dù biết nguy cơ mất nước cận kề, cũng cứ nhắm mắt đưa chân.
Kết cục chỉ khổ cho dân Việt Nam thôi.
Ý kiến đảng viên gửi Đại hội 12 của Đảng
Kính gửi: Các đồng chí Đại biểu Đại hội
Tôi tên là: Nguyễn Hồng Thanh, sinh năm: 1931 tại tỉnh Quảng Trị.
Tham gia cách mạng năm 1945. Vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1949. Đã được nhận huy hiệu 65 tuổi Đảng.
Hiện cư trú tại: Quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh.
Kính thưa các đồng chí!
Tôi viết thư này gửi tới các đồng chí đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng một số ý kiến sau đây:
Qua dự thảo các văn kiện của Đại hội 12 của Đảng đã được công bố, cả năm nay nhân dân bàn tán về những sự kiện sắp diễn ra. Có nhiều ý kiến nói thẳng muốn đất nước tiến lên thì phải lấy lại tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy lại tên Đảng là Đảng Lao Động Việt Nam. Cái gì của Bác Hồ nên trả lại cho Bác Hồ.
Trong Di Chúc của Bác Hồ, Bác đã căn dặn: Sau khi thắng Mỹ thống nhất đất nước, xây dựng lại một nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Bác thường nói: “Người dân thường hay so sánh: Chế độ cũ và chế độ mới, người lãnh đạo cũ và người lãnh đạo mới, nước ta với các nước khác”…
Sau ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước một số nước Đông Nam Á họ thua ta… nhưng 40 năm nay, nước ta có hòa bình thống nhất, kinh tế của đất nước ta có nhiều mặt lại thua họ. Thậm chí thua cả Campuchia và Lào nữa.
Thưa các đồng chí!
Đại hội lần thứ 12 của Đảng nên từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, bỏ chủ nghĩa xã hội, lấy học thuyết Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình.
Vừa rồi có đồng chí nói Quốc hội xây dựng pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Theo tôi, nên xây dựng pháp quyền dân chủ nhân dân.
- Pháp quyền tư bản chủ nghĩa xây dựng ngay trong lòng xã hội cũ, là sự lựa chọn lịch sử một cách tự nhiên; còn pháp quyền xã hội chủ nghĩa chưa hình thành trong lòng xã hội cũ, mà phải xây dựng trong một thời gian dài… theo mô hình của các Đảng Cộng sản lựa chọn. Theo lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.
- Vì vậy, theo pháp quyền xã hội chủ nghĩa thời Stalin, những người bất đồng về đường lối đều bị cầm tù giết hại như: Zinoviev và Kamenev năm 1936, Bukharin năm 1938 và hàng loạt cán bộ cao cấp đều bị hành quyết trong cuộc Đại Thanh trừng 1936-1938.
- Rồi đến Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành Cách mạng Văn hóa, giết hại tù đày bao nhiêu đảng viên cộng sản.
- Tình hình Việt Nam lúc đó, sức khỏe của Bác Hồ quá yếu, ít hội họp, mọi vấn đề về “xét lại” họ đều tìm cách bưng bít. Thời kỳ này chỉ có Liên Xô, Trung Quốc là đồng minh thân thiết giúp đỡ ta, chứ có ai theo một nước tư bản nào đâu, thế mà một số cán bộ cao cấp từng trải qua nhà tù Côn Đảo, Sơn La đều bị bắt, bị tù quản thúc do bị gán tội “xét lại”…
- Pháp quyền tư bản chủ nghĩa, họ chỉ lật đổ Thủ tướng, Tổng thống, chưa bao giờ họ tù đày giết nhầm hàng loạt như pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
- Ta nên xây dựng pháp quyền dân chủ nhân dân, đi theo đường lối Hồ Chí Minh. Nhìn lại bốn ngàn năm lịch sử, nhân dân ta chưa bao giờ hưởng được dân chủ. Tất cả trên thế giới các nước đều là nước Cộng Hòa; chỉ Việt Nam, Bác Hồ đưa ra chữ dân chủ đầu tiên: Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Vì vậy, Bác Hồ nói: “Nếu ai nói chúng ta không dân chủ, thì chúng ta khó chịu. Nhưng nếu chúng ta tự xét cho kỹ, thì thật có như thế”.
Bác lại nói: “Đối với cơ quan lãnh đạo, đối với những người lãnh đạo các đảng viên và các cán bộ dù có ý kiến cũng không đám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình.
Thành thử cấp trên với cấp dưới cách biệt nhau. quần chúng với Đảng rời xa nhau. Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có gì không dám nói ra.
Họ không nói, không phải vì họ không có ý kiến, nhưng vì họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị “trù” là khác”.
Trong khi đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố ở Vĩnh Phúc rằng các ý kiến khác biệt góp ý với Đảng là “suy thoái”??? Ngay trong “19 điều cấm đảng viên không được làm”, thấy rõ thiếu dân chủ trầm trọng, nhất là điều 7 (Ðảng viên (kể cả cấp ủy viên và đảng viên là cán bộ diện cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy quản lý) tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội (theo quy định phải do tổ chức Ðảng giới thiệu) khi chưa được tổ chức Ðảng có thẩm quyền cho phép).
Vì vậy uy tín của Đảng chưa bao giờ thấp như hiện nay. Cho nên, từ lâu nhân dân đã có những câu nói cửa miệng:
“Mất mùa là tại thiên tai
Được mùa là bởi thiên tài Đảng ta
Công trình càng lớn bao nhiêu
Cán bộ càng có nhiều nhà to lên
Cấp trên đoái đến dân làng
Đón tiếp dềnh dàng chỉ khổ dân thôi
Học Bác Hồ đến tận nơi
Xắn quần lội ruộng, nghe lời dân than
Đầy tớ thì cưỡi trăm trâu (1 ô tô = 100 con trâu)
Để chủ lạt muối, thiếu dầu chẳng lo”
Rồi còn có những câu cay đắng vô cùng:
“Chém cha cái kiếp làm dân
Thoát thân trâu ngựa đến phần lót lo
Lót lo cho “tớ” béo to
Ngồi trên lưng chủ ốm o gầy mòn”
Tuy người dân phẫn nộ như vậy, nhưng tại sao họ không biểu tình để chống đối? Không phải họ sợ bị đàn áp, mà cái chính họ vô cùng yêu đất nước này.
Nếu Đảng ta thực sự là Đảng của Bác Hồ thì phải quang minh chính đại theo lời Bác dạy. Đại hội Đảng lần thứ XII nên lấy 8 chữ vàng của Bác Hồ “Cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư” để soi xét tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo từ tỉnh thành lên trung ương.
Đại hội lần thứ XII cần đổi mới tổ chức. Chỉ hơn bốn triệu đảng viên (hầu hết hưu trí) mà tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương quá rườm rà. Tôi ví dụ: Quận Gò Vấp có 540 ngàn dân nhưng chỉ có hơn sáu ngàn đảng viên hầu hết là hưu trí. Ủy ban thì làm không hết việc, còn Quận ủy “hơi ít có việc để làm” nhưng lương Quận ủy lại to hơn lương Ủy ban Quận??? Tôi đề nghị nên sáp nhập Ủy ban và Quận / Huyện ủy vào làm một, Bí thư kiêm Chủ tịch, thanh kiểm tra là một, v.v. Có ông 97 tuổi nói: “Trước đây dưới thời Pháp thuộc, dân chỉ đóng hai loại thuế là thuế thân và thuế điền thổ để nuôi triều đình phong kiến và chính quyền bảo hộ. Nay dân đóng cơ man nào là thuế và nhiều sự đóng góp bất thành thuế để nuôi Đảng và Chính phủ”.
Tóm lại đất nước muốn tiến lên thì thoát ra khỏi vòng kim cô của chủ nghĩa Mác Lê-nin, xây dựng một nước Việt Nam theo đường lối của học thuyết tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là ý nguyện của toàn dân.
TP. Hồ Chí Minh, ngày 21/12/2015
Kính thư
Nguyễn Hồng Thanh
(Đã ký)
*ĐT: 0964.859.924
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen