Seiten

Dienstag, 13. Oktober 2015

Công An dàn cảnh che đậy vu đánh chết em Đỗ Đăng Dư và ý kiến Luật sư

Khủng hoảng và khủng bố

  
https://nhacsituankhanh.wordpress.com/2015/10/12/khung-hoang-va-khung-bo/
Ở thế kỷ 21, khi một cá nhân hay một tổ chức gây sai lầm – để giải quyết khủng hoảng – người ta thường vẽ ra những kịch bản để cứu vớt chiếc tàu đang đắm. Có những kịch bản rất thông minh và được ngợi ca như sách giáo khoa về ứng xử tình huống, nhưng cũng có những loại kịch bản rẻ tiền và đáng khinh, mãi mãi là điều để đàm tiếu. 
Kịch bản giải quyết khủng hoảng của công an Hà Nội để đối phó với cái chết của em Đỗ Đăng Dư là một loại vô cùng đáng khinh như vậy. Ghê tởm nhất là để bảo vệ cho mình, phủi bỏ trách nhiệm với công dân, toàn thể trai tài gái sắc của công an Hà Nội đã không ngại giẫm đạp lên linh hồn một thiếu niên đã qua đời, tự tô trát lên gương mặt mình sự vô hại như thứ phường tuồng.
Bằng một văn bản như công báo gửi chung đến nhiều tờ báo, kẻ mớm kịch bản cho công an Hà Nội đã chăm chút cách nhấn mạnh vào nhân thân của em Đỗ Đăng Dư là từng trộm cắp, thành phần bất hảo… mục đích là sử dụng phép nguỵ biện tấn công cá nhân (ad hominem) để làm mờ đi sai lầm của phía cơ quan công an. Phương thức này rất quen gặp lâu nay, nên cũng cần tự hỏi rằng đó có là kịch bản giáo khoa chuyên ngành?
Bất hảo thì sao? Bất hảo thì chết trong tay công an là không quan trọng? Tháng 3, năm 1991, Rodney King bị tình nghi sử dụng và trữ ma tuý, bị 2 xe cảnh sát rượt đuổi ở San Fernando Valley. Anh Rodney King chạy đến 110km/giờ, bất chấp lời kêu gọi dừng lại. Sau khi bắt được Rodney King, 4 viên cảnh sát đã thay nhau đánh đập người da đen này đến nứt sọ, rách mặt và gãy răng. Một cuộc nổi dậy sau đó của cộng đồng Mỹ da đen tưởng chừng làm nước Mỹ đi đến bờ vực nội chiến. Sau đó thì 4 viên cảnh sát bị kết án và Rodney King được bồi thường, trở thành một hình tượng lịch sử của luật pháp Mỹ “dù anh là ai, anh vẫn được bảo vệ bởi luật pháp”. 
Đừng quên là 4 viên cảnh sát to khoẻ, đánh đập bằng tay, chân và dùi cui suốt 15 phút bằng sự căm giận, vẫn không làm chết nổi một người. Vậy thì một tù nhân cùng phòng tên Bình, có vẻ rất khó mới có thể giết chết em Đỗ Đăng Dư, 17 tuổi đang làm thợ hồ – độ tuổi khỏe mạnh nhất, cũng như đang làm một công việc đòi hỏi nhiều sức lực nhất – bằng một vài cú đá đạp. Bình chắc chắn không phải Lý Tiểu Long và Dư cũng không phải là Pinocchio
Em Đỗ Đăng Dư bị ông Đỗ Trọng Lý, giáo viên ở cùng trong thôn phát hiện em ăn cắp một số tiền. Gia đình của em Dư đã qua xin lỗi và gửi lại tiền cho ông Lý. Nhưng ông Lý bằng mối quan hệ nào đó với công an, đã gọi điện thoại và yêu cầu đưa em Dư đi “giáo dục lại”. Thế là công an ập đến nhà bắt em Dư đi mà không có một biên bản nào. Vài ngày sau, mẹ của em Dư được gọi lên để “ký giấy”. Chị Đỗ Thị Trúc, chị gái của Dư nói rằng lúc ấy, mẹ của chị không rành giấy tờ, lại quê mùa và sợ sệt, đã ký giấy vì nghĩ rằng con mình không làm gì sai, chắc người ta cho về. Sau lần ký đó, em Dư bị đưa đi suốt 2 tháng. Công an đã không hề đọc cho bà Mai biết nội dung văn bản đó là gì, và bà cũng không có được một tờ giấy nào để giữ, để biết số phận con mình như thế nào.
Nhưng khốn nạn nhất, đổi trắng thay đen, văn bản chuyển cho báo chí để thanh minh cho công an, thì ghi rằng chính gia đình không thể giáo dục được Đỗ Đăng Dư, nên đề nghị cơ quan công an “giúp ngăn chận”. Trong khi bà Mai đã tìm mọi cách đi hỏi thăm và xin gặp mặt con, công an đều không cho. Thậm chí, bà cũng không được đưa đồ thăm nuôi ở nhà mang theo. Ngay cả lúc Dư đang hôn mê ở bệnh viện Bạch Mai, bà phải nhét tay 500 ngàn đồng cho cán bộ tên Dũng, để được vào thăm xem Dư bị gì.
Công an nói họ bắt và “điều tra” về chuyện em Dư trộm dưới 2 triệu đồng – bất chấp mọi chuyện đã được giải quyết xong hết, theo thoả thuận dân sự. Và chiếu theo sự việc, thì nếu có “điều tra”, thì tình trạng phạm tội không nghiêm trọng có ghi trong khoản 3, điều 322 của Bộ luật Tố tụng Hình sự, thời gian giam giữ, tổng cộng không được quá 16 ngày. Hai tháng tù đày đó đối với một người bị thành niên đó, có phải là sự phạm pháp của công an?
Chị Trúc nhấn mạnh là em Dư trộm dưới 2 triệu đồng, nhưng không hiểu sao báo chí Nhà nước đang ghi chú sự kiện là 1,5 triệu đồng, bỗng hôm sau đồng loạt chuyển sang số 2 triệu. Nghe thì có vẻ không quan trọng, nhưng theo Khoản 1 điều 138, có bổ sung của luật Hình sự 2009 về tội trộm cắp, thì dưới 2 triệu và sự việc không nghiêm trọng – nhất là với trẻ em vị thành niên, em Dư chỉ bị xử phạt hành chính. Nhưng theo luật, nếu trộm cắp từ 2 triệu đến 50 triệu thì sẽ bị tạm giam, khởi tố, bị tù. Việc im lặng điều chỉnh con số này trong các văn bản phát đi cho các báo Nhà nước, có là sự tính toán đê hèn của kẻ giấu mặt, viết kịch bản giải quyết khủng hoảng cho công an Hà Nội hay không?
Hôm nay Dư đã chết. Không biết trong hai tháng bị giam cầm bất hợp pháp đó, em đã phải chịu bao nhiêu lần hỏi cung mà không hề có luật sư hay người giám hộ, theo đúng quy trình tố tụng hình sự, trong trường hợp người bị điều tra và giam giữ là vị thành niên?
Công an phủi tay, và nói “rất tiếc” vì Dư đã chết. Họ không còn trách nhiệm gì nữa, ngoài một trách nhiệm đe doạ bà mẹ quê mùa đó. Trong buổi gặp ngày 11/10, ông Nguyễn Duy Ngọc, phó giám đốc CATP Hà Nội cũng không kém phần trơ trẽn khi phủi tay, nói rất tiếc, và răn đe rằng bà Mai cùng gia đình không được để bọn phản động kích động, lôi kéo.
Xem lại bản video quay tại hiện trường ở Bệnh viện Bạch Mai, mới đau làm sao. Lớp lớp công an, bảo vệ vây bám chặt cửa phòng cấp cứu, mặc cho gia đình em Dư van nài xin vào xem. Công an thì giải trí bằng ipad, mặt lạnh như tiền. Khi máy quay lia đến, anh công an mặt non choẹt, gằn giọng đầy vẻ quyền lực “anh quay làm gì?”. Tháng trước, chủ tịch Trương Tấn Sang nói “Công an luôn lấy hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống”. Nhân dân cụ thể, là bà mẹ sợ sệt hiền lành ở thôn quê, là em Dư, nay đã chết.
Em Dư đã được chôn. Bản kiểm nghiệm pháp y cũng dối trá né tránh tất cả những chi tiết chấn thương quan trọng, và không có được chữ ký của luật sư Trần Thu Nam. Một mạng người rất trẻ nữa đã chìm trong đất lạnh, góp thêm tầng cao ngất của những tượng đài oan khiên trên đất nước này.
Tôi cứ nghĩ về kẻ đã viết ra kịch bản giải quyết khủng hoảng cái chết của em Đỗ Đăng Dư. Thời đại đúng là của loài thú mang mặt người. Chúng như bọn khủng bố IS tàn bạo. Chúng ra sức cứu chiếc tàu hỏng đang đắm, nhưng không quên giãy đạp, khủng bố cả người chết, gia đình người chết. Thời đại của những kẻ muốn mình sống sót bằng cách phải hiến tế đồng loại.

13/10/2015

Kháng thư về cái chết của cháu Đỗ Đăng Dư

TP Hồ Chí Minh, ngày 12/10/2015

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Đồng kính gửi: Bộ trưởng Bộ Công an,
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao,
Công an Thành phố Hà Nội

Những ngày gần đây, dư luận trong và ngoài nước vô cùng phẫn nộ trước cái chết của một thiếu niên tên Đỗ Đăng Dư (17 tuổi). Sự việc này đã được các cơ quan truyền thông đăng tải và nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau.
Em bị bắt giam từ ngày 5/8/2015 đến ngày 4/10/2015 gia đình em được thông báo là em đang nằm cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai TP Hà Nội.
Chúng tôi thực sự bàng hoàng và không dám tin đó là sự thật. Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21. Thật khó có thể ngờ rằng, chính ngay trên đất nước mà báo chí hàng ngày vẫn ca ngợi chính quyền ta là của dân, do dân và vì dân, vẫn còn có việc đối xử tính mạng con người thua con vật.

Chúng tôi đã gọi điện cho nhà văn Nguyên Bình, con gái của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, đề nghị xác minh lại sự việc trên. Sau 30 phút nhà văn Nguyên Bình trả lời đã liên hệ với luật sư Trần Thu Nam là người thay mặt cho gia đình nạn nhân tham gia tố tụng và luật sư thông báo nội dung vụ việc được đăng tải trên FB Thông tin từ Luật sư 

Kính đề nghị Thủ tướng và các cơ quan liên quan hãy vào địa chỉ trên để nắm rõ nội dung diễn biến sự việc.
Để bớt thời gian của quý vị, chúng tôi xin tóm tắt diễn biến vụ việc như sau:

1. Cháu Đỗ Đăng Dư 17 tuổi bị tình nghi trộm của hàng xóm 1,5 triệu đồng. Công an đã bắt giam hai tháng, từ ngày 5/8/2015 đến ngày 4/10/2015.

2. Ngày 4/10/2015, công an báo cho gia đình Đỗ Đăng Dư đến gặp tại bệnh viện Bạch Mai, đến ngày 10/10 em tử vong tại bệnh viện.
Sau khi em tử vong, Công an có mời luật sư, gia đình, Viện Kiểm sát đến bệnh viện để làm việc, nội dung làm việc được luật sư Trần Thu Nam đăng tải toàn văn trên FB Thông tin luật sư. Công an giải thích là do côn đồ trong trại tạm giam đánh chết, khi giải phẫu tử thi thì gia đình và luật sư không đồng ý với biên bản khám nghiệm nên không ký nhưng Công an và Viện Kiểm sát vẫn tiến hành lập biên bản khám nghiệm tử thi.
Thưa Thủ tướng cùng quý vị,
Với một người vị thành niên, số tiền bị nghi cắp chỉ 1,5 triệu, việc bắt giam như vậy có đúng luật không? Trong suốt quá trình điều tra cháu Đỗ Đăng Dư, cha mẹ cháu chưa được dự một buổi hỏi cung nào là có trái luật không? Cơ quan công lực khi bắt và giam người có trách nhiệm bảo vệ sinh mạng của người bị tạm giam hay không? Và trách nhiệm đến đâu?
Ngay cả khi Công an hành xử đúng luật, thì vẫn phải tính đến khía cạnh đạo đức. Việc bắt giam một đứa bé như thế có tàn nhẫn không? Nếu đó là con em của quý vị, quý vị có đau đớn không?

Chúng tôi, thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng và nhiều công dân bình thường khác vô cùng xúc động và công phẫn trước cái chết đau thương của cháu Đỗ Đăng Dư.
Chúng tôi khẩn thiết:

1. Yêu cầu Thủ tướng và những người có trách nhiệm tại các cơ quan hữu quan hãy nhanh chóng điều tra và làm rõ cái chết thương tâm của cháu trước dư luận trong và ngoài nước.

2. Để ngăn chặn ngay tình trạng thương tâm này, chúng tôi đề nghị không được giam giữ chung ba đối tượng: tội phạm cướp của giết người, tội phạm kinh tế, và tù khác chính kiến. Giám thị trại giam có trách nhiệm bảo vệ tính mạng và an toàn của người bị giam giữ.
Thay mặt các thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng

Chủ nhiệm,
Huỳnh Kim Báu
-----------------------------------------------
Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng gửi BVN.

Phụ lục

1- Đơn trình báo vụ em Đỗ Đăng Dư


Đây là đơn trình báo vụ em Đỗ Đăng Dư 
Hiện đã có một số luật sư đồng ý tham gia ký đơn cùng để bày tỏ sự đồng lòng nhất trí về việc cần phải khách quan làm rõ có hay không sai phạm trong tố tụng hình sự.
Rất mong các luật sư khác có khả năng tham gia ký đơn cùng thì cho biết để mình bổ sung vào danh sách. Cần sự ủng hộ của mọi người để tìm công lý cho em Dư và cảnh báo ngăn chặn các vụ việc về sau. 

Rất mong mọi người bớt chút thời gian đọc hết đơn, nếu thấy có khả năng thì mong đông đảo các luật sư tham gia ký đơn cùng trong không khí ngày truyền thống luật sư vẫn còn.

Luật sư Ngô Ngọc Trai

Chúng tôi gồm những người ký tên dưới đây là luật sư thuộc Liên đoàn luật sư Việt Nam.
Căn cứ Bộ luật hình sự tại Điều 4 quy định về trách nhiệm đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm như sau: Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

Căn cứ Bộ luật tố tụng hình sự, tại Điều 25 quy định về trách nhiệm của các tổ chức và công dân trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm như sau:

1. Các tổ chức, công dân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác hành vi phạm tội; tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

2. Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm tạo điều kiện để các tổ chức và công dân tham gia tố tụng hình sự; phải trả lời kết quả giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm cho tổ chức đã báo tin, người đã tố giác tội phạm biết.
Nay chúng tôi làm đơn này trình báo tới các Quý ông sự việc như sau:
Vụ việc em Đỗ Đăng Dư (17 tuổi) bị Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Chương Mỹ khởi tố và bắt tạm giam về hành vi trộm cắp tài sản, trong quá trình giam giữ tại trại tạm giam số 3 đã bị đánh dẫn đến tử vong. Sự việc đau lòng này đã lan tỏa khiến công luận phẫn nộ xót xa trước cái chết của em Dư.
Trong vụ việc thương tâm này chúng tôi nhận thấy nổi bật lên ba vấn đề đó là: Thứ nhất em Dư mới 17 tuổi chưa thành niên. Thứ hai hành vi của em chỉ là trộm cắp vặt. 

Thứ ba là việc em bị chết khi đang bị tạm giam. Từ hệ quả đau xót của vụ việc chúng tôi đặt câu hỏi rằng liệu việc tạm giữ hay tạm giam em Dư có đủ cơ sở pháp lý không hay là cơ quan tố tụng đã có quyết định trái pháp luật?

1. Về việc tạm giữ
Em Dư đã lấy trộm và bị bắt quả tang với số tiền hiện chưa rõ là 1,5 triệu hay 2 triệu đồng. Nếu là 1,5 triệu thì hành vi của em Dư chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì theo Điều 138 Bộ luật hình sự quy định về tội trộm cắp tài sản thì giá trị tài sản trộm cắp phải từ 2 triệu đồng trở lên mới bị xử lý hình sự. Do vậy nếu chỉ lấy trộm số tiền 1,5 triệu thì việc tạm giữ hình sự để khởi đầu cho việc xử lý hình sự em Dư là trái pháp luật.

2. Về việc tạm giam
Trường hợp em Dư trộm cắp tài sản có giá trị trên 2 triệu đồng đủ mức để bị xử lý hình sự, thì chúng tôi vẫn nghi ngờ rằng liệu việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam em Dư có đủ cơ sở pháp lý hay không?

Theo quy định tại Điều 303 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về thủ tục xử lý người chưa thành niên, thì trẻ vị thành niên như em Dư chỉ bị bắt tạm giam nếu phạm vào tội nghiêm trọng do cố ý, tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Theo Điều 138 Bộ luật hình sự về tội trộm cắp tài sản thì em Dư phải trộm cắp tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên mới thuộc khoản 2 thuộc khung phạm tội nghiêm trọng và có thể bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam.
Trong vụ việc em Dư bị bắt quả tang chưa rõ số tiền là 1,5 triệu hay hơn 2 triệu đồng, trong quá trình khai báo em Dư đã khai ra thêm trộm cắp 4 vụ khác. Chúng tôi ngờ rằng các vụ kia cũng chỉ là trộm cắp vặt giá trị tài sản có khả năng chưa đến 50 triệu đồng. Từ đó chúng tôi cho rằng rất có khả năng cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam không đảm bảo cơ sở pháp lý.

Kính thưa các Quý ông!

Sự việc đau lòng là cái chết của em Dư không phải tự dưng mà có, đây là hệ quả mà quy trình thủ tục tố tụng hình sự không cho phép xảy ra, tức là thực tại đau buồn này ẩn chứa đằng sau đó sai phạm của những người liên quan. Nếu đúng em Dư bị các đối tượng giam giữ cùng phòng đánh dẫn đến tử vong thì cũng không loại trừ việc mượn tay chúng đánh em Dư là biện pháp buộc em phải khai ra các vụ vi phạm khác.

Sự việc đau lòng khiến công luận phẫn uất đòi hỏi phải khách quan điều tra sự việc xem có sai phạm hay không và xử lý trách nhiệm của những người liên quan. Theo đó chúng tôi cho rằng cần khách quan điều tra làm rõ xem số tiền em Dư trộm cắp khi bị bắt quả tang là 1,5 triệu hay 2 triệu đồng để có thể bị tạm giữ hình sự, và trong các lần trộm cắp khác giá trị tài sản có lên đến 50 triệu không để có thể bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam? Rất có khả năng đã xảy ra vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng hình sự và là tội phạm diễn ra trong hoạt động tư pháp.

Cụ thể, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì thẩm quyền ra Quyết định tạm giữ, Quyết định tạm giạm thuộc Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Chương Mỹ. Nếu các quyết định này không đảm bảo cơ sở pháp lý như nêu trên thì người ra quyết định đã phạm vào tội ra quyết định trái pháp luật theo Điều 296 Bộ luật hình sự.
Điều 296. Tội ra quyết định trái pháp luật 

1. Người nào có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.
Từ những nội dung trên chúng tôi đề nghị:

1. Theo Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự, việc điều tra sai phạm của cán bộ tư pháp thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Chúng tôi đề nghị Ông Nguyễn Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (Vụ 6), tiếp nhận thông tin vụ việc và xác minh thông tin ban đầu. Từ đó nếu phát hiện sai phạm như chúng tôi nêu thì quyết định khởi tố điều tra về hành vi ra quyết định trái pháp luật theo Điều 296 bộ luật hình sự.

2. Đề nghị Ông Nguyễn Đức Chung, Giám đốc công an thành phố Hà Nội bằng thẩm quyền khả năng của mình tiếp nhận xác minh thông tin ban đầu và tạm đình chỉ công tác đối với Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an huyện Chương Mỹ (người đã ký quyết định tạm giữ và tạm giam em Dư) để phục vụ cho việc điều tra xác minh và xử lý sai phạm, nếu kết quả sau này cho thấy không có sai phạm thì khôi phục lại công tác cho đương sự.

3. Đề nghị Bộ trưởng Bộ công an Trần Đại Quang và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, nắm bắt thông tin sự việc và khơi dậy nêu cao tinh thần trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, ý thức đầy đủ về tính chất nghiêm trọng và hệ quả sâu xa của tình trạng bạo quyền nghiệt ngã trong nền tư pháp hình sự hiện tại.

Có phương hướng chỉ đạo tiến tới chấp nhận các đề xuất trong cải cách tư pháp là: Nhất trí với quy định về quyền im lặng, việc lấy lời khai bị can phải có luật sư tham gia và trong phòng giam giữ và phòng hỏi cung phải lắp camera ghi âm ghi hình. Chúng tôi cho rằng nếu không thực hiện những việc này thì tội ác do cán bộ công quyền gây ra cho người dân (dù vô tình hay cố ý) sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Chúng tôi, với ý thức nêu cao tinh thần tự chủ và ý thức trách nhiệm công dân trong hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm, xin trình báo nội dung sự việc nêu trên. Rất mong được khẩn trương xem xét.

Những người trình báo 

1. Ngô Ngọc Trai
2. Nguyễn Thanh Bình
3. Lê Văn Luân
4. Trần Thu Nam
5. Nguyễn Hà Luân
6. Hoàng Văn Hướng
7. Phan Hữu Thư


2- Hỏi đáp pháp luật xung quanh cái chết của Đỗ Đăng Dư

12-10-2015
Mạnh Cường – Quốc Cường – Trung Dũng – Đình Hà – Hồng Minh – Lưu Minh – Quang Nam – Phương Thảo
Cái chết bất thường của Đỗ Đăng Dư, 17 tuổi, sau hai tháng bị tạm giam, làm dấy lên nhiều băn khoăn của dư luận về việc thi hành luật pháp Việt Nam. Những lo ngại này xoay quanh chế độ giam giữ, xử lý vi phạm ở trẻ vị thành niên, cũng như nỗi lo sợ về nguy cơ hành pháp lạm quyền, dẫn đến rủi ro quá lớn cho công dân Việt Nam khi bước chân vào trụ sở cơ quan điều tra. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp phần nào những thắc mắc như vậy.
Mẹ, anh trai và chị gái của em Dư đang chờ kết quả khám nghiệm tử thi. Ảnh chụp tại tại sân nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trưa ngày 11/10/2015. Ảnh: Nguyễn Đình Hà.

1. Hình thức xử lý của pháp luật Việt Nam đối với tội trộm cắp tài sản là gì?
Theo Khoản 1, Điều 138 Bộ luật Hình sự (năm 1999, sửa đổi năm 2009), có 4 trường hợp:
– người trộm cắp tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;
– người trộm cắp tài sản dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng;
– người trộm cắp tài sản đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt;
– người trộm cắp tài sản đã từng bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm

Với 4 trường hợp này, người phạm tội trộm cắp tài sản bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm – tức tội phạm ít nghiêm trọng (căn cứ Điều 8 Bộ luật Hình sự, quy định về khung hình phạt).

Chúng tôi cho rằng Đỗ Đăng Dư rơi vào trường hợp đầu tiên. (Theo xác nhận của bà Đỗ Thị Mai, mẹ của Dư, vào ngày 11/10 khi trao đổi với luật sư Trần Thu Nam, thì Dư ăn trộm 2 triệu đồng của hàng xóm, cơ quan công an đã lập biên bản và thông báo cho gia đình con số đó).

2. Trong quá trình cơ quan chức năng tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử vụ án, Dư có thể bị tạm giam, tạm giữ không?
Đỗ Đăng Dư sinh năm 1998, năm nay 17 tuổi.
Theo Khoản 2, Điều 303 Bộ luật Tố tụng Hình sự, người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam (nếu có đủ căn cứ quy định tại các điều 80, 81, 82, 86, 88 và 120 của Bộ luật Tố tụng Hình sự), nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Do hành vi của Dư là trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, rõ ràng không đủ căn cứ để thực hiện các biện pháp ngăn chặn nói trên.

3. Thủ tục bắt giữ, tạm giữ hình sự hoặc tạm giam được quy định ra sao?
Về mặt thủ tục bắt giữ thông thường, ngoài việc các lệnh phải được ban hành đúng thủ tục, trình tự và thẩm quyền theo quy định tại Điều 80 và 81 Bộ luật Tố tụng Hình sự, cơ quan điều tra khi tiến hành thủ tục còn cần sự có mặt của chính quyền địa phương, hàng xóm láng giềng; phải giải thích quyền, nghĩa vụ người bị bắt và phải lập biên bản việc bắt giữ.
Căn cứ Khoản 2, Điều 48 Bộ luật Tố tụng Hình sự, người bị tạm giữ có quyền:

a) Được biết lý do mình bị tạm giữ;
b) Được giải thích về quyền và nghĩa vụ;
c) Trình bày lời khai;
d) Tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa;
e) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
f) Khiếu nại về việc tạm giữ, quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Thêm vào đó, theo Khoản 3, Điều 303, Bộ luật Tố tụng Hình sự, “cơ quan ra lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên phải thông báo cho gia đình, người đại diện hợp pháp của họ biết ngay sau khi bắt, tạm giữ, tạm giam”. Trong trường hợp Đỗ Đăng Dư, có dấu hiệu gia đình Dư đã không được thông báo đầy đủ, rõ ràng về tình trạng của Dư trong suốt hai tháng.

Tuy nhiên, các vấn đề pháp lý đặt ra nêu trên chỉ phù hợp nếu Dư thuộc trường hợp mà cơ quan điều tra được quyền thực hiện biện pháp tạm giữ, tạm giam.

4. Các sai phạm (nếu có) của cơ quan điều tra trong trường hợp này là gì?
Thứ nhất, nếu cơ quan điều tra giam giữ Đỗ Đăng Dư theo lệnh bắt giữ, lệnh tạm giam, thì người ký các lệnh này có dấu hiện phạm tội “ra quyết định trái pháp luật” (Điều 296, Bộ luật Hình sự).

Nếu cơ quan điều tra giam giữ em Dư không có lệnh bắt, lệnh tạm giữ, lệnh tạm giam hoặc có nhưng không đúng trình tự, thủ tục hay thẩm quyền, thì họ có dấu hiệu phạm tội “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” theo Điều 123 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, theo Khoản 2 của điều luật này, còn có một số tình tiết tăng nặng, như: Bên bắt lợi dụng chức vụ, quyền hạn; có tổ chức.

Thứ hai, Dư bị đánh dẫn đến chết trong quá trình bị tạm giam (theo chẩn đoán của cơ quan y tế một ngày trước khi Dư chết, thì Dư bị phù não, sưng gáy, tím thái dương, chứng tỏ đã bị đánh). Như vậy, tồn tại khả năng cơ quan quản lý trại giam không làm tròn trách nhiệm, phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 285 Bộ luật Hình sự).

Còn người hành hung, dẫn đến cái chết của Dư, có dấu hiệu phạm tội giết người hoặc cố ý gây thương tích. Nếu người đó lại chính là… cơ quan điều tra, thì khi ấy, trên nguyên tắc cũng vậy, điều tra viên thực hiện hành vi hoàn toàn có khả năng bị truy tố với tội danh giết người hoặc cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, thực tiễn pháp lý hình sự Việt Nam lại ưa thích dùng tội danh “dùng nhục hình”, “bức cung” (Điều 298-299 Bộ luật Hình sự) cho các đối tượng này.

(Độc giả có thể thấy sự phân biệt đối xử giữa cơ quan chức năng và người dân, theo hướng có lợi cho bên thi hành công vụ: Cùng gây hậu quả chết người, nhưng lực lượng thi hành công vụ lại hiếm khi bị xử lý vì các tội danh xâm phạm tính mạng hay sức khỏe).

5. Luật pháp Việt Nam quy định ra sao về quá trình khám nghiệm tử thi?
Theo Điều 151, Bộ luật Tố tụng Hình sự, “việc khám nghiệm tử thi do điều tra viên tiến hành có bác sĩ pháp y tham gia và phải có người chứng kiến”. Luật không quy định ai là người có đủ tư cách làm người chứng kiến.

6. Làm thế nào để quá trình khám nghiệm tử thi được khách quan?
Nguyên tắc chung của luật pháp là để đảm bảo tính khách quan trong bất cứ việc gì, cá nhân/ tổ chức thực hiện việc đó phải độc lập, không có quyền lợi liên quan.

Ở Việt Nam lâu nay, việc giám định, khám nghiệm v.v. thường do Viện Khoa học Hình sự (thuộc Bộ Công an), hoặc cơ quan pháp y quân đội, tiến hành. Chúng tôi cho rằng điều đó không đảm bảo khách quan, đặc biệt là trong các vụ việc mà chính cơ quan công an hay quân đội là đối tượng bị tình nghi phạm pháp.

7. Trong trường hợp chính cơ quan công an vi phạm thủ tục điều tra, tố tụng, thì cơ chế nào xử lý điều ấy?
Tại một số quốc gia như Hoa Kỳ hay Anh quốc, khi cảnh sát bị tình nghi giết người,  sẽ có các ủy ban tư pháp độc lập và/hoặc các tổ chức dân sự khác giám sát hoạt động của cảnh sát tiến hành điều tra để làm sáng tỏ sự thật.

Ngoài ra, và quan trọng nhất, hệ thống tư pháp phải độc lập khỏi hành pháp và lập pháp. Báo chí – quyền lực thứ tư – cũng độc lập, thậm chí còn có thể tiến hành các hoạt động điều tra riêng biệt. Điều này giúp hạn chế sự lạm quyền  của một số cơ quan công quyền nhằm bảo vệ các cá nhân vi phạm.

Thêm vào đó, để đảm bảo một nền tư pháp lành mạnh và sự độc lập của các phân đoạn điều tra, cơ quan điều tra thông thường tách biệt về cơ cấu tổ chức với cơ quan thực hành quyền giam giữ nhằm tránh hiện tượng bức cung, nhục hình.
Rõ ràng tại Việt Nam, cho đến nay, chưa có những cơ chế như vậy.

8. Các sai phạm của cơ quan công an trong vụ Đỗ Đăng Dư có vi phạm luật quốc tế về nhân quyền không?
Có. Cơ quan công an có dấu hiệu vi phạm:
– Công ước Quyền Trẻ em (đối tượng là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi), mà Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới ký kết, phê chuẩn (năm 1990).
– Công ước về Các Quyền Dân sự và Chính trị (Việt Nam gia nhập năm 1982).
– Công ước Chống Tra tấn (Việt Nam phê chuẩn năm 2014).


3- Kỳ nghỉ cuối tuần trong nhà xác
Luật sư Trần Thu Nam

Tổng hợp thông tin ngày 11/10/2015 về vụ án liên quan đến cái chết của cháu Đỗ Đăng Dư.
I. Buổi làm việc với Lãnh đạo Công an TP. HN 

1. Theo Yêu cầu của Gia đình, sáng nay tôi cùng mẹ của Đỗ Đăng Dư đến PC 44 - Công an Thành Phố Hà Nội để làm việc. Chủ trì buổi làm việc là Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội Nguyễn Duy Ngọc - Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, ông Nguyễn Văn Nông Chánh văn phòng - Phó thủ trưởng thường trực, các điều tra viên, đại diện VKSND TP. Hà Nội có ông Nguyễn Văn Ái, Trưởng công an xã nơi cháu Dư sinh sống. Về phía gia đình có ba người là Bà Mai cùng hai người chú của cháu Dư và Tôi là Luật sư do Bà Mai yêu cầu. Sau đó có thêm một Trợ giúp viên pháp lý (Không phải là Luật sư) đã tham gia bào chữa vụ cháu Dư bị khởi tố về tội trộm cắp. Người trợ giúp viên pháp lý này mẹ cháu Dư chưa gặp một lần và hôm nay mới biết mặt. Khai mạc buổi làm việc, ông Nguyễn Duy Ngọc thông báo đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Văn Bình là bạn chung phòng giam đã đánh cháu Dư.  

Ông Nguyễn Duy Ngọc cho biết, Công an HN đã ngay lập tức vào cuộc khi nhận được thông tin, đã bố trí trang thiết bị hiện đại, bác sỹ giỏi để cứu chữa cho cháu Dư. Nay rất tiếc cháu Dư chết, gia đình đề nghị cơ quan nào giám định. Đồng thời ông Ngọc cũng cảnh báo gia đình không để những tội phạm "Phản động" kích động lôi kéo làm ảnh hưởng đến trật tự.

2. Sau khi mọi người có ý kiến, tôi nêu một số ý kiến như sau:
- Thứ nhất, tôi đánh giá cao sự vào cuộc nhanh chóng của Công an TP. HN và việc cứu chữa cho cháu Dư ở bệnh viện đến nay gia đình vẫn chưa phải bỏ chi phí. Nhưng việc ai đánh cháu Dư chắc phải kết thúc điều tra mới biết được;
- Thứ 2, đề nghị Công an HN và VKSND TP. HN xác minh việc lạm dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với cháu Đỗ Đăng Dư của các cơ quan tiến hành tố tụng là trái luật. Cháu Đỗ Đăng Dư là người vị thành niên nhưng trong suốt quá trình điều tra, cha mẹ cháu chưa được dự một buổi hỏi cung nào là trái luật;
- Đề nghị xem xét trách nhiệm của trại tạm giam số 3 trong vụ án này;
- Việc mời trợ giúp viên pháp lý (Không phải luật sư) đến nay gia đình mới biết là không phù hợp. Gia đình tưởng đưa cháu Dư đi trại giáo dưỡng chứ không nghĩ cháu bị khởi tố. Tất cả những văn bản, giấy tờ Công an Chương Mỹ đưa cho mẹ cháu Dư ký là văn bản gì mẹ cháu cũng không hiểu;
- Cuối cùng, Luật sư đề nghị cho giám định pháp y của Quân đội thực hiện.

II. Tham dự buổi khám nghiệm tử thi tại Nhà xác bệnh viện. 

1. Theo yêu cầu của bà Mai là mẹ cháu Dư, tôi giúp tham gia buổi giám định tử thi cùng hai người chú của cháu Dư. Tôi thật sự không muốn chứng kiến việc mổ xác người nhưng đứng trước một người phụ nữ khóc than vì mất con thì thật sự khó từ chối mặc dù đây là vụ án tôi làm miễn phí. Tôi cũng không hiểu sao tôi lại giữ được tâm trạng bình thản khi chứng kiến cảnh bác sỹ bổ, cắt đôi đầu một người để đưa toàn bộ não ra để xem xét. Vị bác sỹ vừa mổ vừa nhai kẹo cao su và bỏ cả khẩu trang ra để giải thích những thắc mắc cho người nhà. 

2. Kết quả của buổi khám nghiệm xác định cháu Dư bị đánh chết
- Não bị phù, bị tụ máu trên não;
- có dấu hiệu chấn thương não, chết não;
- Đốt sống số 1 trên cùng bị tổn thương dẫn đến động mạch chỗ đó bị tổn thương không đưa máu lên nuôi não dẫn đến chết não, phù não. 

3. Khi viết Biên bản khám nghiệm tử thi, Điều tra viên chỉ ghi những dấu vết bên ngoài thân thể mà không ghi các dấu vết bên trong khi giải phẫu. Luật sư đề nghị ghi vào Biên bản thì Điều tra Viên và Kiểm sát viên nói rằng các dấu vết bên trong sau này sẽ ghi trong Kết luận giám định nhưng tôi không đồng ý mà vẫn đề nghị ghi vào Biên bản khám nghiệm tử thi. Các bên không thống nhất nên tôi không ký vào Biên bản khám nghiệm tử thi, Kiểm sát viên và ĐTV không hài lòng và tự lập biên bản về việc tôi không ký vào Biên bản khám nghiệm tử thi.

III. Công việc tiếp theo của Luật sư 

1. Tôi sẽ trao đổi và đề nghị Luật sư Nguyễn Hà Luân tham gia tố tụng trong vụ án này để bảo vệ cho bị hại (Mẹ cháu Dư sẽ đến làm giấy mời Luật sư Nguyễn Hà Luân nếu LS đồng ý). 

2. Về phía VPLS của tôi, sẽ nhờ Luật sư Lê Văn Luân cùng tôi tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích cho gia đình bị hại. Nếu Luật sư nào sẵn sàng tham gia trợ giúp cho gia đình thì liên hệ để tôi thông tin đến cho mẹ cháu Dư. Nhiều Luật sư sẽ tốt, tiếng nói sẽ được chú trọng hơn.

T. T. N.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen