Seiten

Freitag, 11. Dezember 2015

Giấc mơ Việt Nam

(hình minh họa)

Ai cũng có giấc mơ của riêng mình, giấc mơ được sống nơi thiên đường ngập nắng và hoa, xã hội phát triển, không gian thanh bình. Không có sự kỳ thị, không tệ nạn xã hội, không còn nỗi lo chiến tranh, và người người luôn vui vẻ, hòa nhã, sẵn lòng giúp đỡ lẫn nhau một cách chân tình.
Riêng tôi luôn mơ về một tương lai tươi đẹp đó cho Việt nam, nơi tôi sinh ra và lớn lên, nơi cội nguồn của dân tộc tôi. Cho dù thời gian tôi sống nơi đất khách nhiều hơn khi tôi còn ở quê hương.
Giấc mơ đó đang là hiện thực tại đất Đức, nơi tôi đang cư ngụ, nhưng tôi luôn mong một ngày nào đó, nó sẽ hiển hiện trên quê hương mình! Một giấc mơ Việt nam!

Tôi cứ ước giá như sau thống nhất, những nhà lãnh đạo cao cấp nhất Việt nam thay đổi hoàn toàn trong cung cách suy nghĩ và làm việc, biết đặt quyền lợi Tổ Quốc trên tính hãnh tiến, vị kỷ để hàn gắn nhanh vết thương chiến tranh, hòa giải và hòa hợp Dân tộc từ tận gốc rễ, sẽ lôi cuốn được người dân chung tay đồng lòng xây dựng một Việt nam thực sự lớn mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần. 

Nếu được như vậy, thì giờ đây chúng ta đâu có sợ chi những kẻ đang rình rập nuốt sống chúng ta?!

Giá mà 3 ngành chính: Lập pháp (Quốc hội sáng lập ra hiến pháp), Tư pháp (Tòa án, VKS) và Hành pháp (Chính quyền phải thực thi bảo vệ pháp luật) của Việt nam được hành xử độc lập, không lệ thuộc vào bất cứ  áp lực nào, thực hiện đúng chức năng, quyền hạn theo luật pháp mà làm, thì mọi công dân Việt nam sẽ thực sự được bình đẳng, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đám quan tham ô lại không có đất để sinh sôi, hại dân, bán nước. 
Có như vậy đất nước mới phát triển một cách bình đẳng, trong sạch, không còn nạn tham ô, nhũng nhiễu. Hối lộ sẽ tự nhiên bị đẩy lùi mà không mất công và của để chống lại. 

Giá mà các quan chức biết tận tụy vì dân, đặt quyền lợi nhà nước lên trên lợi ích cá nhân, không bè cánh, tham quyền mua chức, không tham lam vơ vét „ấm thân, phì gia“, không sống cuộc sống đồi trụy xa hoa, mà trung thực, thẳng thắn, lịch lãm, biết đối nhân xử thế để dẫn dắt và làm gương cho dân thường noi theo. Biết xin lỗi khi mắc sai lầm nhỏ và sửa chữa kịp thời. Biết đến văn hoá từ chức khi phạm lỗi, hay vì kém trong điều hành lỡ làm thất thoát ngân sách nhà nước để dân phải chịu thiệt thòi, hoặc vì yếu kém về mặt lãnh đạo làm tổn hại tới danh tính quốc gia, để dọn đường cho người đủ Tài, Đức lên lãnh đạo cho Đất nước có cơ hội thay đổi mà đi lên.

Giá những người tổ chức sự kiện, những nhà lãnh đạo các cấp, các ngành biết đặt trọng tâm vào từng sự việc cụ thể, từng qui mô của mỗi công trình để suy nghĩ thấu đáo, lên kế hoạch sát thực, không vì danh hão, phô trương rầm rĩ làm tốn kém tiền của, thời gian, công sức nhân dân vào những lễ hội cồng kềnh, không đáng. Làm việc thực tâm, tận tụy, không đầu voi đuôi chuột. Biết nhận lãnh trách nhiệm, không đổ vạ lung tung để trốn tránh khi mắc sai lầm trong lúc thực thi nhiệm vụ, thì đã tiết kiệm được rất nhiều tỷ đô la Mỹ tiền thuế của dân để đầu tư vào nền an sinh xã hội đang còn quá yếu ở Việt nam, giúp đỡ được người nghèo, trẻ em bất hạnh và những người tàn tật, mà chẳng cần phải hô hào kêu gọi quyên góp. Và các cháu tới trường cũng không phải lo học phí hay tìm trường tốt cho con học như bây giờ.

Giá những người được giao trọng trách lãnh đạo những tập đoàn kinh tế của nhà nước không tham lam, tùy tiện đổ tiền của nhà nước vào những vụ đầu tư lan tỏa, nan giải để dễ bề bòn rút, chuyển của công thành của riêng, thì hàng mấy trăm ngàn tỷ đồng đã không đổ xuống sông, xuống biển, các công trình xây dựng không giang dở, sập tiệm để nền kinh tế quốc dân không đến nỗi lao xuống dốc không phanh, nợ nần chồng chất như bây giờ.

Giá đồng vốn mà Việt nam vay các quĩ tiền tệ Quốc tế ngay từ đầu đã biết đặt trọng tâm vào việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở, thúc đẩy phát triển nền công nghiệp hiện đại, bền vững, nhằm xuất khẩu được hàng công nghiệp đạt chất lượng cao, xây dựng được chữ tín trên thị trường quốc tế để cạnh tranh lành mạnh, chứ không vội chạy đua làm những khách sạn, nhà hàng, chốn ăn chơi, sân Golf lớn và những trụ sở  hoành tráng, những bức tượng tốn kém hàng trăm ngàn tỷ mà chẳng đem lại giá trị nào thiết thực cho dân, trong khi nước nhà chưa đủ sức mạnh cơ bản vươn dậy như thế.

Chất lượng thực sự không nằm bên ngoài bao bì, mà là giá trị bên trong của mỗi một con người, công việc và sản phẩm! Giá ngành giáo dục VN hiểu được điều này, để giáo dục học sinh biết LÀM NGƯỜI trước khi học văn hóa.

Giá như bộ xây dựng  và ngân hàng kết hợp điều phối vốn cho quỹ nhà ở một cách hợp lý, không cho vay, giải ngân một cách tùy tiện, thì bây giờ Việt nam đâu phải đối đầu với những khó khăn chồng chất về nguồn vốn như hiện nay?!

Giá mà mỗi người dân bất cứ trên cương vị, cấp bậc, độ tuổi nào cũng biết đặt quyền lợi của dân tộc lên trên hết, vì nhân nghĩa, đạo đức mà ứng xử. Không chạy theo, a dua thái quá trong bất cứ chuyện gì, dám nói, dám làm tất cả vì danh dự và niềm tự hào dân tộc, thì Việt nam sẽ nhanh chóng trở thành thiên đường như ước nguyện!





Những điều ước

Giá không có những quan tham
Vắng bóng cả lũ nịnh đầm xum ve.
Giá người lãnh đạo dám thề
Vì dân thực sự, tự phê bình mình
Nghĩ sáng suốt, vì dân sinh
Hết lòng tận tụy, duyệt, trình thẳng ngay
Biết suy xét, xứng bậc thầy
Lãnh đạo đất nước dựng xây cơ đồ.
Giá mà những vị chức to
Biết sống tiết kiệm, thực lo, giỏi làm
Không lãng phí, chẳng tham lam
Xót tiền dân góp, chẳng màng lợi danh
Lên kế hoạch thật rõ rành
Không nửa úp mở, nhằm giành lợi riêng
Dân mình thấy - nước sẽ yên!
Thế đứng vững mạnh hơn kiềng ba chân
Thù xa, cho tới giặc gần
Cũng phải vị nể Quan, Dân một lòng
Giấc mơ Việt, ai cũng mong
Thực rồng cất cánh thăng Long tới trời!

TSB khát vọng một ngày nào đó, hai chữ Việt Nam được nhắc đến với lòng kính nể và sự trân trọng thực sự của nhân dân các nước trên toàn thế giới, chứ không phải với sự nghi ngờ như bây giờ. 
Nơi đâu người Việt mình cũng được nhắc tới vì tính cần cù, chịu thương chịu khó và vui vẻ, niềm nở, nhưng ngoài điều đó ra thì chẳng còn gì ghi dấu ấn lại cho bạn bè năm châu. Có chăng là những điều xấu xa như ăn cắp, buôn lậu, làm chui, trốn thuế, làm điếm và..... giết hại nhau.

Chúng ta thiếu sự đoàn kết và kỷ luật. Chỗ nào có đông người Việt là ở đó xảy ra khúc mắc, tranh cãi và….bừa phứa. Khó có thể gắn kết người Việt Nam thành một khối thống nhất, bởi tính ích kỷ, tự tôn, tự đại trong mỗi người từ lãnh đạo tới nhân dân quá cao. Họ thích tự tô vẽ về chính bản thân mình, đảng phái mình, thích khoe khoang, thổi phồng thành tích và thích được ngợi ca.
Chính vì thế họ dễ nổi khùng khi bị „nhìn đểu“ hay chỉ vì một lời nói, họ dễ đánh mất bản năng con người của họ.

Những cái chung cho Dân tộc, cho Đất nước, họ xếp xuống dưới quyền lợi của đảng phái, bè cánh hay cá nhân mình. Tính a dua, xu nịnh dễ biến họ thành một bầy giả dối. Họ sợ mất quyền lực hay quyền lợi bản thân và gia đình mình, thích „thành tích“, sợ mang „tai tiếng“ (nếu việc đó là việc chung, còn nếu là của cá nhân, họ bất chấp tất cả, cốt giành lợi về mình).

Chính vì tất cả những điều đó mà Việt Nam không có gì để nói, không có gì đáng tự hào, ngoài quá khứ chiến tranh, "chiến thắng ba đế quốc to". Và quá khứ đó cứ được mang ra lặp đi lặp lại đến nhàm chán để „đậy điệm“ những „kiếm khuyết“ hiện tại.



Năm con ngựa đòi hỏi sự dũng cảm của các nhà lãnh đạo VN để rũ bỏ những thứ ngăn cản bước tiến của xả hội. Sự thay đổi từ trong quan niệm và hành động của lãnh đạo Việt Nam sẽ làm động lực cho bước „nhẩy vọt“ của Dân tộc trong năm Giáp ngọ này, mà không cần có chiến tranh hay đổ máu.
Chúng ta hy vọng điều kỳ diệu sẽ xảy ra! 
Hy vọng Việt Nam sẽ có một người lãnh đạo đủ bản lĩnh đưa Dân tộc đi lên!


Tiếng Sóng Biển viết bài này từ đầu năm Giáp Ngọ 2014, nhưng quên không đăng. Nay vô tình thấy nên đăng lên. Chỉ cầu mong một điều duy nhất có ai đó trong Bộ chính trị tỉnh thức, đủ can đảm và sự trong sạch, yêu nước, thương dân đứng lên làm một cuộc thay đổi như Miến Điện cho dân được nhờ.

Sửa đổi 24.12.2015

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen