Phạm Ngọc Dương
Tôi đặc biệt ấn tượng với đôi mắt của chàng trai Nguyễn Đình Lợi. Đôi mắt to, sâu và rất đen. Xung quanh viền mắt có một dải đen thẫm, giống như một diễn viên được tô vẽ kẻ mắt trước khi lên sân khấu. Đôi mắt buồn quá. Chẳng lẽ 10 năm không ngủ, 10 năm khóc thầm, đến nỗi, những viền mắt đã lên màu cho da.
http://megafun.vn/tin-tuc/phap-luat/201005/am-anh-voi-3-chang-trai-bi-tu-oan-10-nam-toi-hiep-dam-75907/?mode=mobile
http://megafun.vn/tin-tuc/phap-luat/201005/am-anh-voi-3-chang-trai-bi-tu-oan-10-nam-toi-hiep-dam-75907/?mode=mobile
10 năm làm báo, tôi đã gặp hàng chục nhân vật, hàng chục cuộc đời tù tội oan trái, với những số phận rất khác nhau. Người đàn ông bị tù oan vì con cá 4 lạng ở Hạ Hòa, Phú Thọ (anh Nguyễn Hữu Tráng). Người đàn bà từ một doanh nhân thành đạt, xinh đẹp, biến thành một kẻ thân tàn ma dại, mắc đủ thứ bệnh nan y trên người ở Thái Bình (chị Nguyễn Thị Hiên). Một doanh nhân có tiếng về xóa đói giảm nghèo cho nông dân như ông Lương Ngọc Phi, cũng ở Thái Bình, đã trắng tay với bao năm tù tội oan trái… Số phận và cuộc đời của họ vẫn cứ ám ảnh tôi, dù sau khi những bài báo đã đăng, đã bao năm tôi không gặp lại họ, dù nhiều người trong số họ đã nhận được lời xin lỗi, được đền bù danh dự, sức khỏe, sự nghiệp bằng tiền.
Họ đã bước qua bóng tối (Ảnh: Phạm Ngọc Dương). |
Tuy nhiên, câu chuyện của 3 chàng trai trẻ, đang hừng hực sức sống, căng tràn hoài bão, bỗng chốc một ngày bị còng tay, bị ra tòa, bị vào tù về tội cướp của, hiếp dâm, rồi cũng đột ngột, 10 năm sau, người ta tuyên bố vô tội, 3 chàng trai không cướp của, không hiếp dâm ai, thậm chí, bác sĩ, bằng những kinh nghiệm nghề nghiệp, còn chứng minh họ chưa một lần quan hệ tình dục, nói gì hiếp dâm, thì quả thực là một câu chuyện gây sốc. Thử tưởng tượng xem, đặt hoàn cảnh mình vào họ, vừa mới vào đời, biết bao hoài bão đã bị chôn vùi trong tù tội, với cái án oan muối mặt, sẽ có cảm giác thế nào?
Tình, Kiên, Lợi từ phải qua (Ảnh: Phạm Ngọc Dương). |
Những ngày này, con đường vào xã Yên Nghĩa (Hà Đông) dường như mang một không khí trầm lắng. Có lẽ cái cảm giác buồn bã của không gian làng mạc cũng thấm vào tôi. Có một điều lạ, cả cái làng trên xóm dưới của xã vùng ven này, ai cũng tin 3 “thằng bé” Tình, Kiên, Lợi vô tội. Chị bán hàng nước đầu làng bảo: “Ai đời 3 cái thằng hiền lành như cục đất, củ khoai ấy mà lại bị tội cướp của hiếp dâm. 10 năm nay, dân làng chúng tôi vẫn tin chúng nó vô tội. 10 năm, lâu quá chú nhỉ?”.
Trong ngôi nhà ngay đầu cầu vào Yên Nghĩa, trước cổng Trường Đại học Thành Tây có đám thanh niên ngồi túm tụm. Trên gương mặt các thanh niên đều có nét buồn. Họ đến nhà mừng Lợi đã được trở về. Chàng trai Nguyễn Đình Lợi bảo: “Từ ngày ở tù về, em không đi đâu cả, nên bạn bè kéo đến chơi, cho em đỡ buồn”.
Tôi mở cửa xe cho Lợi bước lên, vào làng tìm Kiên và Tình, hai người bạn cùng tù tội. Xe vừa nổ máy, chầm chậm đi, người đàn bà hớt hải chạy theo với khuôn mặt lo lắng. Tôi dừng xe, Lợi xuống nói chuyện một lát. Người đàn bà kia quay vào nhà. Lợi bảo: “Thấy em ra ngoài, mẹ chạy theo hỏi đi đâu ấy mà. Từ ngày ở tù về, mẹ không đi làm gì cả, ở nhà trông em 24/24 như trông đứa trẻ lên 3 ấy”. Tôi hiểu suy nghĩ của mẹ Lợi. 10 năm trời bà đã vất vả ngược xuôi đi tìm công lý cho con thế nào, chỉ có những người trong cuộc mới biết được.
Những tháng ngày tù tội đã làm cho các chàng trai thành những con người bản lĩnh, sâu sắc (Ảnh: Phạm Ngọc Dương). |
Chúng tôi vào nhà Nguyễn Đình Kiên, thì Nguyễn Đình Tình cũng đã ở đó, dưới sự giám sát của… 2 người bố. Ông Nguyễn Đình Thìn, bố của Nguyễn Đình Kiên, sau khi thắp hương khấn vái tổ tiên, quay sang bảo: “Tôi là cán bộ an ninh của xã, phụ trách một tổ an ninh, mấy chục năm góp phần bảo vệ xóm làng bình yên. Nhưng buồn thay, tôi lại không bảo vệ được con mình. Tôi thấy mình làm cha mà có lỗi với con, làm con mà có lỗi với tiên tổ”. Từ ngày con bị đi tù, rồi được minh oan, ông Thìn trở nên chăm chỉ thắp hương khấn vái tổ tiên. Bàn thờ tổ tiên cũng được ông chăm sóc hàng ngày
Nhiều khi ông Nguyễn Đình Thìn chỉ biết gửi gắm tâm sự vào những đấng vô hình (Ảnh: Phạm Ngọc Dương). |
Ngồi trước mặt tôi là 3 chàng trai, Nguyễn Đình Kiên (30 tuổi), Nguyễn Đình Lợi (30 tuổi) và Nguyễn Đình Tình (29 tuổi). Cái tuổi này, lẽ ra đã lập thân xong cả rồi. Nhưng với họ, có lẽ, mới là bắt đầu. Không chỉ là sự bắt đầu cuộc sống mới, mà còn bắt đầu một “cuộc chiến” mới, một “cuộc chiến” mà những người chịu án oan đều thấy ngán ngẩm. Họ thường gọi đó là cuộc chiến “trứng chọi đá”, nói theo các cụ thì “châu chấu đá voi”.
3 chàng trai trẻ ngồi trước mặt tôi, không già lắm, không suy sụp quá, trình độ văn hóa mới chỉ lớp 9, nhưng họ rất khác. Họ trầm lắng, họ gãy gọn trong từng câu nói, họ lý luận rất logic và thông minh. Những năm tháng tù đã khiến họ bản lĩnh, sâu sắc. Những điểm này tôi tìm thấy ở những người tù trí thức bị oan sai, chứ không giống với những phạm nhân côn đồ mang tội cướp của, giết người, hãm hiếp.
Bố con Tình. (Ảnh: Phạm Ngọc Dương). |
Nguyễn Đình Tình thường nhìn vào xa xăm, đôi mắt sâu, và nói chuyện như một người đã “ngộ đạo”. Tình bảo: “Nếu cứ sống với cái quá khứ tù tội thì cuộc đời không còn ý nghĩa gì nữa. Em muốn quên đi, quên càng sớm càng tốt, thì mới sống được. Giờ tâm trí cứ luẩn quẩn với những ngày ở tù, với kiện cáo, với hành trình đi đòi danh dự, thì quả thực khác nào tự mình xây nhà tù mới cho mình”. Tình nói như một nhà tu hành, đã hiểu thế nào là “sắc sắc không không”. Nhưng, tôi vẫn thấy từ đôi mắt của chàng trai trẻ, nước mắt cứ mòng mọng. Tình là người sống nội tâm. Những chàng trai sống nội tâm thường rất mạnh mẽ, kiên cường, dù bề ngoài có vẻ yếu đuối
Chàng cựu bộ đội Nguyễn Đình Kiên có khuôn mặt vui vẻ, hồn nhiên hơn. Kiên hay cười, dù nụ cười không được tươi lắm. Kiên có phong cách và khuôn mặt toát lên vẻ rất đàn ông, nhưng lời lẽ lại hiền lành như một cô gái.
Tôi đặc biệt ấn tượng với đôi mắt của chàng trai Nguyễn Đình Lợi. Đôi mắt to, sâu và rất đen. Xung quanh viền mắt có một dải đen thẫm, giống như một diễn viên được tô vẽ, kẻ mắt trước khi lên sân khấu. Đôi mắt buồn quá. Chẳng lẽ 10 năm không ngủ, 10 năm khóc thầm, đến nỗi, những viền mắt đã lên màu cho da.
Ngược lại với 3 chàng trai, 3 ông bố đều thể hiện quyết tâm sống động, quyết tâm đến kiệt cùng để đòi lại danh dự cho con, cho gia đình, cho dòng họ, cho tổ tiên và cho cả cái ngôi làng đã từng phải mang tiếng nhục nhã vì là nơi sinh ra 3 chàng trai này. Dù các ông đã khóc thầm 10 năm nay rồi, song cứ nhắc đến nỗi oan trái, nỗi nhục nhã mà mình phải gánh chịu, nỗi vất vả long đong lận đận 10 năm đi đòi công lý, nước mắt lại muốn chảy ra. Nỗi buồn lớn khiến con người ta khóc, niềm vui quá lớn cũng khiến con người ta rơi lệ.
Nỗi buồn đan xen những câu chuyện, những hồi ức, dù đã 10 năm trôi qua, vẫn rõ mồn một trong tâm trí họ. Câu chuyện vụ án đình đám cướp của, hiếp dâm tập thể và bắt người oan 10 năm trước hiện về sắc nét từng chi tiết…
(Còn tiếp)…
Theo Phạm Ngọc Dương
VTC news
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen