Seiten

Samstag, 28. März 2015

Hãy giữ lấy mầu xanh cho Hà Nội

Tiếng Sóng Biển viết ngày 28.03.2015 để hưởng ứng lời kêu gọi cuộc tuần hành giữ môi trường xanh tại Hà Nội ngày 29.03.2015 của các bạn. Xin cám ơn những tấm lòng vì Hà Nội thân yêu, quê hương của tôi và cũng là Thủ đô ngàn năm văn hiến của Tổ Quốc.

Những con phố Hà Nội rợp mát bóng cây

Quán cóc ven đường dịu mát bóng cây
Níu bước người qua, hóng mây đón gió
Chuyện vãn với nhau, tâm tình mở ngỏ
Mỗi lúc đi xa, lại nhớ khôn cùng.....
Phố phường Hà Nội xanh mượt như nhung
Mỗi loài cây lưu giữ cùng năm tháng
Hồn thiêng núi sông trong từng chiến thắng
Giữa đạn bom vẫn mãi ngẩng cao đầu
Hà Nội xưa, kiêu hãnh dấu niềm đau
Ngăn ngắt hàng cây, nhuộm mầu bi tráng.


Thanh niên sinh viên xuống đường đòi bảo vệ môi trường Hà Nội


Bằng Lăng tím, tình thủy chung lãng mạn
Những cây Sưa dày dạn đếm thời gian
Ngõ phố thân quen xòe tán lá bàng
Bông hoa Sữa tỏa lan hương theo gió
Nhớ tuổi thơ ngây sân trường Phượng đỏ
Thu vẽ trời mơ, lá đổ bay bay
Mùi Sấu chín thơm lựng khắp đâu đây
Hàng Me Tây tán dầy che bóng mát
Đêm buông mành hương Dẻ Lan ngào ngạt
Mình bên nhau, trăng bát ngát Tây Hồ
Góc trời Hà Nội, xa vẫn hằng mơ.....

Máu của cây đang đổ

Ngày trở lại bất ngờ trong chua xót
Hàng cây xanh cho tuổi thơ mật ngọt
Họ nỡ cưa ngang, “máu” giọt đầy đường
Lá cành bị chặt, rên rỉ đau thương
Dân Hà Nội tất cả dường chết sững
Chẳng thể ngồi yên, không thể chịu đựng
Cho bọn quan tham nổi hứng phá tan tành
Những hàng cây giữ Hà Nội mát xanh
Lọc bụi bặm, tô Kinh Thành duyên thắm
Không thể làm ngơ, xuống đường ngăn chặn
Bàn tay kẻ gian tắm máu các loài cây
Vì môi trường, nghĩa cử chính là đây
Vì cuộc sống sau này còn ý nghĩa
Hãy xuống đường chặn bọn “ngợm” chôm chỉa
Giữ mầu xanh muôn thủa giữa tim người
Cho Hà Nội mãi mãi đẹp tinh khôi
Để cháu con ngàn đời xa còn nhớ.

Tiếng Sóng Biển 28.03.2015

Cảnh đường Nguyễn Chí Thanh trước và sau khi chặt đi trồng cây mới trông mới trơ trẽn tang thương làm sao.

Freitag, 20. März 2015

Hà Nội đang chết


Hà Nội quyết định chặt hết 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố. Nghe tin này TSB bị choáng, vì Hà Nội chỉ đẹp, thơ mộng và ghi dấu ấn cho những người Hà Nội khi xa và ngay cả với du khách là bởi mầu xanh của các hàng cây cổ thụ chạy dọc các tuyến phố và vẻ cổ kính vốn có từ những toà nhà mầu vàng rêu phong được xây dưng từ thời Pháp mà thôi. Chặt hạ cây xanh có nghĩa Hà Nội đang tự giết mình. Mặc dù sẽ trồng cây mới nhưng phải chờ vài chục năm nữa cũng chưa chắc lấy lại được cảnh quan như thế.
Tôi không tin những người ra quyết định này là vì "sự an toàn" như họ nói. Bởi vì trước mùa mưa bão có thể cưa bớt cành to đi. Đây chỉ có thể là "dự án" nảy sinh từ lòng tham khôn cùng của con người. Chặt cây cổ thụ đem bán, lấy quĩ từ thuế dân mua cây vàng tâm đắt tiền về trồng thế, kèm vào đó là tiền công chăm sóc và bảo vệ.... họ đút túi tiền tỷ chứ chẳng chơi.
Mất cây xanh, mất đi mùa thu Hà Nội quyến rũ với những lá vàng bay, là mất đi linh hồn của Hà Nội và hồn thơ của các văn sĩ. Không những thế, mất cây xanh là Hà Nội mất luôn lá phổi lọc khí CO2 của mình, để cứ teo tóp, chết dần....
"Người Hà Nội" ngày nay tạp nham ngay cả từ giọng nói, đã làm mất đi hoàn toàn bản sắc văn hóa lịch lãm của người Tràng An xưa. Thêm vào đó là sự lố lăng, lai căng của một số người đem loa đài ra ôm nhau nhẩy nhót, lắc mông ngay trước tượng đài Lý Thái Tổ và đám du côn, vô văn hóa hung hãn gào hét, gây hấn với người đi lễ, giờ lại mất nốt cây xanh nữa, khiến Hà Nội trở nên trơ trọc, lố bịch và không còn quyến rũ.
Trong cảm giác quá xúc động vì chua xót, TSB đã viết những dòng này.

Giữa mùa xuân, Hà Nội đang giẫy chết
Những hàng cây từng dệt khúc thi ca
Hình bóng mùa thu lá đổ chiều tà
Không còn nữa, bị cưa ra từng khúc

Xóa mầu xanh, đuổi hồn thiêng khất thực
Phá nát ngàn năm tiềm thức Tràng An
Bê tông hóa khiến Hà Nội hoang tàn
Còn đâu nữa mầu vàng chan chứa nắng?

Thu Hà Nội quyến rũ làn mây trắng
Bầu trời cao, cây xanh thẳng ven đường
Rợp bóng mát từng con phố thân thương
Người đi xa vẫn mãi luôn thẩm nhớ

Còn đâu nữa Hà Nội xưa một thủa
Khơi nguồn văn thơ ngẫu hứng thi đàn?
Còn đâu nữa, khi nhựa ứa, cảnh tan
Cây bị đốn, người bàng hoàng chua xót

Những tán Bàng cho tuổi thơ trái ngọt
Hàng Xà Cừ chim đậu hót mỗi ngày
Ngân tiếng ve giữa chiều hè ngất ngây
Trái Xấu chín em lượm đầy vạt áo

Chùm Phượng Vĩ đỏ thắm bên Bông Gạo
Hương Sữa thơm khiến rạo rực tình nồng
Thướt tha Liễu rủ, còn đó hay không?
Hay tất cả bị đốn, trồng loại mới?

Những hàng cây tự ngàn năm vô tội
Bị diệt vong để Hà Nội chết theo
Văn hóa Thăng Long nay bị làm nghèo
Giết mầu xanh, trí thức treo nghiên bút

Trơ trọc phố phường, chẳng còn cuốn hút
Mùa hè nóng thiêu, ngập lụt đến kinh
Thu vắng bóng, du khách cũng cạn tình
Chỉ còn đông phủ Kinh thành hoang phế.


Tiếng Sóng Biển  20.03.2015

Mittwoch, 11. März 2015

Hồn mai / Xuân vẫn mãi tình / Cao ngạo









TSB ghé thăm Blog Lý Đức Quỳnh, thấy nhiều thơ đối hay nên nổi hứng đối chơi, giờ mang về tặng bạn bè này.

MAI
(Thơ mời họa)
Chơi đùa son sắt với trời đông
Mưa quất sương chan mặc gió lồng
Thân thẳng ngay chồi lay nhật nguyệt
Cành trơ trụi lá cảm càn khôn
Thanh cao hương tỏa thềm đài các
Nhàn nhã hồn nương chốn cửa không
Lẫm liệt phơi mình bên giá lạnh
Khai hoa điểm sắc đón xuân nồng !
                                Lê Đăng Mành

LÒNG MAI
(Bài họa)
Gặm rét dạn dày buổi tiết đông
Thi gan tuế nguyệt gió mưa lồng
Gìn xanh chỉ vẹn lòng son sắt
Giữ thẳng đâu màng tiếng dại khôn
Vặt lá đau thầm cùng địa giới
Bung cành nở rộ với thiên không
Vui đời chan chứa ngàn hoa hội
Xuân sắc nhân gian đượm thắm nồng !
                 Lý Đức Quỳnh_ĐN-24/1/2015


Hồn mai


Mặc chút buốt lòng tiết cuối đông
Hoàng hoa yểu điệu dáng tiên lồng
Lung linh nhuận sắc duyên như nguyệt
Vẫn mãi gợi hồn thi bút khôn
Quyến rũ dịu dàng thiên tuyệt tác
Hương thầm trao gửi lắng thinh không
Nụ nghiêng cành trĩu trong sương lạnh
Níu giữ tim người giữa thắm nồng

Tiếng Sóng Biển


TÔI LÊN TUỔI BẠC
(Bài xướng)
Sáu chín tây mà ta bảy mươi
Xuân nay tôi cũng “ bạc” đây rồi 
Bâng khuâng ôm nhận bằng mừng thọ
Lãng đãng vui buồn miệng nhoẻn tươi
Cứ chụp vài pô cho tíu tít
Thì ngâm đôi khúc thật tơi bời
Anh em bầu bạn gần xa lại
Không rượu thì bia cũng có mời  
                        Đỗ Đình Tuân      

  PHÚC THỌ CÙNG ĐẾN
(Bài họa)
Phong độ kể chi tuổi mấy mươi
“Phong tình phấp phới”hẳn ngon rồi
Bung biêng thiên hạ khòm ông trẻ
Đủng đỉnh bác Tuân bảnh lão tươi
Khéo chống bến bờ lòng hể hả
Lơi chèo non nước dạ bời bời
Gừng già thêm tuổi,xuân thêm mới
Phúc thọ trùng lai chẳng đợi mời !
                             Lý Đức Quỳnh_ĐN-20/1/2015

    

Xuân vẫn mãi tình 


Xuân vuột thoáng qua đã mấy mươi
Vẫn nguyên sức trẻ cây đâm chồi
Dẻo dai đủ vốn tặng cho vợ
Những đóa hoa lòng thật thắm tươi
Hạnh phúc suốt đời luôn thấy ít
Càn khôn tìm kiếm chẳng bao người
Tình yêu bạc tóc còn bền mãi
Nguyện chỉ vì em hết cuộc đời

Tiếng Sóng Biển

 ĐẠO THƠ THIỀN !

Buồn thay học vị đạo thơ thiền
uyên bác ôm đồm hóa đảo điên
Lục bát đan vần trôi tuột điệu
Thất ngôn kết chữ rụng văng niêm
Vọng cầu hào khí thêm trì trệ
Mơ tưởng nhân tâm tắt nhiệm huyền
Quảng bá chữ tuôn nhờ bút thánh
Xin ngừng tráo trở động non Yên*
                                     LĐM
*Núi Yên tử



Hoàng Quang Thuận dám tự nhận mình nổi hứng thơ là tại "thiền", nên thỉnh được "ý Thánh"

Cao ngạo


Tự ngạo bản thân, "hứng tại thiền"
Tâm toàn sắc tục, trí du miên
Đáo thơ lại dối mình đồng điệu
Ý tưởng thần linh được nghiệm chiêm
Quen thói khoe khoang, quan quá tệ
Nịnh thần cả lũ xúm tuyên truyền
Đua nhau tâng bốc "hồn thi thánh"
Náo động thanh bình chốn cửa Yên

Tiếng Sóng Biển                                    

Dienstag, 10. März 2015

Tuyệt kỹ khinh công của Thiên Môn Đạo chứng minh khả năng hiếm có của con người

Có những điều kỳ lạ mà con người làm được chỉ bằng sự khổ luyện. TSB tin vào những ̣điều mình được chứng kiến ngoài đời khó lý giải. Nói ra thì những kẻ thiếu hiểu biết, ít va chạm cho rằng chỉ tưởng tượng, hay là ảo thuật. Họ không hiểu rằng, trong các cuộc thi Quốc tế, không ai cho phép người tham dự được xử dụng thủ thuật hỗ trợ. Cũng như trong thể thao cấm xử dụng doping. 


"Lóa mắt" tuyệt kỹ khinh công của võ Việt Thiên Môn Đạo

(ĐSPL) - Khi môn phái Thiên Môn Đạo cổ truyền Việt Nam biểu diễn kỹ thuật chạy trên nước suốt 200m, người ta mới nhìn nhận nghiêm túc về khả năng kỳ diệu của con người.
Từ xưa đến nay, trong dân gian vẫn tồn tại những giai thoại kể về các cao thủ có võ công thâm hậu dùng cây lau vượt sông, dùng nón vượt biển để nói về tuyệt kỹ khinh thân hay khinh công. Các câu chuyện trên đều mang màu sắc ly kỳ huyền bí, không ít người cho rằng, đó là việc thêu dệt của dân gian để thần thánh hoá tài năng của một ai đó.
Tuy nhiên, khi môn phái Thiên Môn Đạo - Một môn phái của võ cổ truyền Việt Nam biểu diễn kỹ thuật chạy trên nước với chiều dài 200m, người ta mới nhìn nhận một cách nghiêm túc về khả năng kỳ diệu này của con người. Điều càng đặc biệt hơn, bí kíp này được cho rằng, nó có từ thời Đinh Bộ Lĩnh, lưu truyền trong dân gian và được dòng họ Nguyễn Khắc ở Dư Xá Thượng, xã Hoà Nam, Ứng Hoà, Hà Nội bảo lưu cho đến tận ngày nay.
Tỷ thí võ công với lục lâm thảo khấu
Dư Xá Thượng được nhiều người biết đến là vùng đất nổi danh về võ nằm bên dòng sông Đáy hiền hoà. Nơi đây còn để lại nhiều dấu tích vua Đinh Bộ Lĩnh luyện quân và ngôi đền Bách Linh ghi tên tuổi của tổ sư môn phái Thiên Môn Đạo - Người có công lớn trong việc đánh bại quân Thanh Tết Kỷ Dậu 1789.
Kể về truyền thống võ học của làng cũng như môn phái Thiên Môn Đạo, Chưởng môn Nguyễn Khắc Phấn hết sức khiêm tốn. Ông Phấn cho rằng, võ học của môn phái Thiên Môn Đạo xuất thân từ trong dân gian, người sáng lập là ông Nguyễn Khắc Cống một võ tướng Tây Sơn (thế kỷ XVIII).
"Lóa mắt" tuyệt kỹ khinh công của võ Việt Thiên Môn Đạo - Ảnh 1

Chưởng môn Nguyễn Khắc Phấn chụp ảnh lưu niệm với các Chưởng môn các môn phái nổi tiếng châu Á (ông Nguyễn Khắc Phấn ở giữa cùng với môn sinh Thiên Môn Đạo).

Nói về môn phái của mình, Chưởng môn Nguyễn Khắc Phấn khẳng định rằng, tuy tổ sư là võ tướng Tây Sơn nhưng nền tảng võ học của Thiên Môn Đạo khác biệt hoàn toàn với võ Tây Sơn Bình Định. Các tên gọi quyền, cước của Thiên Môn Đạo hiện nay rất khác với võ Tây Sơn. Nhiều tuyệt kỹ của Thiên Môn Đạo có nhưng Tây Sơn Bình Định không có.
Ông cho rằng, gốc gác của Thiên Môn Đạo là ở chính ngôi làng ven sông Đáy này và người truyền võ cho dân làng có thể là vua Đinh Tiên Hoàng (thế kỷ X) hay một võ tướng nào đó của ông và được dân làng bảo lưu hàng ngàn năm nay. Sở dĩ vị Chưởng môn này đưa ra giả thuyết như vậy là vì vùng đất Dư Xá Thượng từng là nơi được Đinh Bộ Lĩnh làm nơi huấn luyện quân sỹ.
Các kiến thức và bí kíp võ học từ đó được một số người làng lưu giữ và truyền cho nhau để phòng thân, đánh lại bọn phỉ (theo chuyện kể lại thì Dư Xá Thượng trước đây là vùng phỉ hoạt động mạnh, chúng tiến hành cướp bóc trong vùng). Đến nay, dân làng còn kể lại nhiều câu chuyện tỷ thí võ công của các cao thủ trong làng với lục lâm thảo khấu chuyên cướp bóc này như một minh chứng cho việc học võ để phòng thân, bảo vệ làng nước.
Cũng liên quan đến câu chuyện luyện võ, bảo vệ làng và ra sức giúp nước mỗi khi lâm nguy, Chưởng môn Nguyễn Khắc Phấn có nhắc tới người khai sinh ra môn phái Thiên Môn Đạo, võ tướng Nguyễn Khắc Công. Theo nhiều câu chuyện lưu truyền kể lại, khi vua Quang Trung kéo quân ra Bắc đánh quân Thanh ở Đống Đa, Hà Nội vào Tết Kỷ Dậu 1789.
Trước khi đánh thành, quân đội Tây Sơn tổ chức tuyển quân, ông Nguyễn Khắc Cống kéo trai tráng trong làng gia nhập đội quân. Bằng tài năng võ thuật hơn người và sử dụng điêu luyện cây Thanh Long đao trên tay, ông Nguyễn Khắc Cống được bố trí tham gia đánh trận Ngọc Hồi, một cứ điểm quan trọng của quân Thanh. Chủ tướng giữ thành là đề đốc Hứa Thế Hanh bên cạnh hắn là tay kiếm tiên phong Trương Sỹ Long và “thần thương” Tả dực Thượng Duy Thăng.
Theo một số tư liệu chúng tôi thu thập được, chính ông Nguyễn Khắc Cống với cây Thanh Long đao đã hạ thủ tay kiếm tiên phong Trương Sỹ Long và dồn “thần thương” Thượng Duy Thăng vào đường cùng, tạo cơ hội cho quân ta giết chết. Công sức của Nguyễn Khắc Cống đã góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của quân ta.
Chiến công của Nguyễn Khắc Cống làm rạng rỡ người làng Dư Xá Thượng. Noi gương ông, dân làng thi đua rèn luyện võ nghệ. Nhờ truyền thống luyện võ, ngôi vị vô địch lễ hội vật võ Hà Tây (trước đây) luôn nằm trong tay người Dư Xá. Đi đến đâu người Dư Xá cũng được nể trọng. Từ đó, Dư Xá nổi danh vùng đất võ. Để giữ gìn võ học của làng, ông Nguyễn Khắc Cống lập nên Thiên Môn Đạo đưa truyền thống luyện võ, đánh giặc trở thành một đạo sống thiêng liêng của làng. Các chưởng môn đời tiếp theo noi gương tiền tổ ra sức luyện tập, truyền bá võ học, nghĩa hiệp giúp đời.
"Lóa mắt" tuyệt kỹ khinh công của võ Việt Thiên Môn Đạo - Ảnh 2

Các môn sinh Thiên Môn Đạo biểu diễn khinh thân trên hồ Thiền Quang.

Tuyệt kỹ khinh thân nức danh thiên hạ
Nói về kho tàng bí kíp võ học của môn phái Thiên Môn Đạo, võ sư Nguyễn Khắc Phấn cho rằng, môn phái có đủ các bài tập của thập bát ban binh khí, có nội công, ngoại công, khí công, y võ, khí công dưỡng sinh, khí công chữa bệnh... Đó là một kho tàng võ học, võ đạo không chỉ luyện cho cơ thể khoẻ mạnh, cường tráng mà còn rèn đức tính kiên trì, chịu khó để làm người. Học trò của môn phái hiện nay có đến hàng ngàn người.
Chính vì Thiên Môn Đạo là môn võ cổ truyền mang đậm bản sắc Việt Nam nên môn phái luôn được Nhà nước cử đi giao lưu võ thuật với các nước châu Á và thế giới. Các pha biểu diễn của Thiên Môn Đạo luôn mang đến sự kinh ngạc cho bạn bè yêu võ thuật được ghi nhận là môn phái đào tạo ra nhiều môn sinh có khả năng phi phàm.
Có thể dùng mọi bộ phận trên cơ thể để nâng vật nặng như việc đóng đinh vào người rồi dùng sức kéo ô tô, dùng lưỡi nâng cả xô nước... đều được thực hiện một cách thành thục. Trong nhiều cuộc gặp gỡ, giao lưu võ thuật châu Á, môn phái Thiên Môn Đạo luôn được đánh giá cao và được bạn bè quốc tế nể trọng.
Điểm đặc biệt nhất của môn phái Thiên Môn Đạo đó chính là khả năng phi thân (hay còn gọi là khinh công) phi phàm. Hiện nay, các đệ tử trong Thiên Môn Đạo có tới hàng chục người đã luyện thành công tuyệt kỹ này. Nhiều lần, Thiên Môn Đạo đã biểu diễn làm loá mắt người xem, thậm chí, khoa học cũng rất khó để giải thích vì sao các đệ tử của Thiên Môn Đạo có thể chạy băng băng trên những chiếc chiếu thả trên mặt nước.
Trước sự chứng kiến của hàng ngàn người, các đệ tử của Thiên Môn Đạo biểu diễn tuyệt kỹ võ học này chạy trên sông Đáy, hồ Thiền Quang (Hà Nội), chạy trên hồ Hoàn Kiếm (trong những ngày lễ kỷ niệm Hà Nội 1.000 năm Thăng Long). Điều kỳ lạ, các môn sinh của Thiên Môn Đạo chạy theo đội hình, cùng một lúc, nhiều người cùng chạy đang thách thức các nhà khoa học giải thích. Với trọng lượng cơ thể bình thường nhưng chạy trên chiếc chiếu có chiều dài từ 100m lên đến 200m là điều nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.
Bàn về tuyệt kỹ khinh thân này, võ sư Chưởng môn Nguyễn Khắc Cống cho rằng, để chạy được như thế đòi hỏi người luyện võ phải có nội công giỏi. Tuy nhiên, luyện thành công không phải là điều gì đó quá khó khăn. Một người bình thường biết dành thời gian ngoài công việc vẫn có thể luyện được tuyệt kỹ này.
Cũng theo vị Chưởng môn này, các truyền thuyết xưa kể về những vị cao nhân như tổ sư Đạt Ma hay thiền sư Minh Không có thể vượt sông trên bông lau, vượt biển trên nón lá để chỉ về tài năng khinh thân của họ có thể là sự thật. Bởi, các vị này đã dành thời gian chú tâm vào việc luyện võ nên tài năng của họ rất cao và đây là điều không có gì lạ. 
Vượt xa kỷ lục khinh thân của thiếu lâm Trung Quốc
Shi Liliang, nhà sư của chùa Thiếu lâm Tuyền Châu (Trung Quốc), chạy trên cầu bằng ván ép mỏng trên mặt nước trong đoạn đường với chiều dài 118m tại thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc ngày 26/10/2014, gây sửng sốt dư luận. Được biết, để thành công, nhà sư này phải khổ luyện trong một thời gian dài. Khi cán đích, đôi bàn chân nhà sư bị trầy xước.
Trong khi đó, các môn sinh của Thiên Môn Đạo của chúng ta, có đến gần chục người chạy 200m, còn những môn sinh chạy trên 100m thì rất nhiều. Điều kinh ngạc hơn, các môn sinh Thiên Môn Đạo còn chạy theo đội hình tốp 4 người, ngoài đời họ là những bác sỹ, kỹ sư... chỉ luyện tập khi có thời gian rảnh rỗi.
TRINH PHÚC