Seiten

Dienstag, 22. September 2015

Bài báo của chị Tạ Phong Tần, một trong những bài "phản động" của chị

Tại sao tôi ngưỡng mộ và nể phục chị Tạ Phong Tần? Mời các bạn đọc một trong số bài viêt́ bị qui là "Phản động" của người con gái kiên trinh này. Bài được đăng trên trang Công Lý và Sự thật. Tôi tin gần 90 triệu dân VN, kể cả đảng viên CS, nếu có lòng với Tổ quốc, đều đồng ý với những gì chị viết.
Vậy mà họ giam chị với mức án 10 năm tù vì tội "Chống phá nhà nước"??? Chính vì cái án của bọn tham nhũng, độc tài nhằm bịt miệng những người hiểu biết, để tiếp tục lừa nhân dân VN chui vào cái thòng lọng cho chúng xiết, rồi rút máu chia nhau lợi nhuận. Không có một "cô công an" dám viết ra sự thật như chị, ai biết được những điều này?


http://taphongtan.blogspot.com/

Chống thói “đạo đức không thật”

“Đạo đức không thật” là nguy cơ đe dọa sự vững mạnh của Nhà nước XHCN:

Sự việc ông Lê Đức Thúy - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và hai cán bộ lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội lợi dụng vị trí công tác để “xin mua nhà công vụ” trái quy định, vụ các quan chức kéo bè kết cánh “ăn đất” ở Đồ Sơn, lợi dụng chức vụ quyền hạn trù dập người tố cáo tham nhũng… là đề tài nóng bỏng gây bất bình trong xã hội, làm cho Thủ tướng Chính Phủ phải “thân chinh” “nhảy vào” chỉ đạo giải quyết mới tạm lắng. Sự kiện chưa kịp nguội thì nay lại bùng lên vụ Tổng cục Du lịch giao nhà công cho một số lãnh đạo Tổng cục trái với Quyết định của Thủ tướng (Tiền Phong-25/10/2006) và vụ một số quan chức tỉnh Bạc Liêu chia nhau xà xẻo 122 ha đất công làm cho người dân không khỏi đau lòng trước một niềm tin bị rạn vỡ, bị lung lay (Người Lao Động, 26/10/2006).


Những tấm gương liêm khiết, thanh bạch, giản dị của Bác Hồ, của cố Bí thư Trung ương Đảng Trần Kiên hình như bị người ta coi là quá khứ lạc hậu, hay việc từ chối không nhận nhà to hơn nhà cũ vì “đã đủ tiêu chuẩn rồi” của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh là giáo điều nên không được người ta làm theo; mà thay vào đó, xã hội lại có không ít “quan tham cách mạng”, người tốt phải sợ thế lực của kẻ xấu; nếu ai đó bạo gan tố cáo tham nhũng, “nói thẳng nói thật” thì bị “bao vây”, trù dập “lên bờ xuống ruộng”. Dân gian đã tổng kết cái kinh nghiệm cay đắng này thành câu “đấu tranh thì tránh đâu?”. Cựu Đại tá Công an Đinh Đình Phú- người được dân chúng tôn vinh là “anh hùng chống tham nhũng” đời nay, trước khi chiến thắng cái xấu, ông cũng bị không ít đắng cay tủi nhục, thậm chí vu vạ ông “phản Đảng”, suýt bị khai trừ ra khỏi Đảng. May mắn là ông Phú có cái kinh nghiệm điều tra thu thập chứng cứ của một người từng công tác trong ngành Công An, ông là Đảng viên về hưu, ông được sự ủng hộ của lãnh đạo cấp Trung ương, con đường từ Hải Phòng lên Hà Nội để gặp lãnh đạo Trung ương không xa mấy nên không tốn nhiều chi phí đi lại… nên cuối cùng, sau nhiều gian khổ ông Phú đã chiến thắng; nhưng nếu những người tốt khác mà không có những cái lợi thế như ông Phú thì khi đấu tranh sẽ ra sao?
Tôi thật bất ngờ khi trong danh sách 67 “cán bộ đại gia” xà xẻo 122 ha đất công ở Bạc Liêu thì bà Võ Thị Tiếng-vợ ông Trương Minh Chiến - Trưởng Ban Tuyên Giáo Tỉnh Ủy Bạc Liêu cũng có xí phần. Ông Chiến là người thường xuyên đăng đàn giảng bài về Nghị quyết của Đảng, về đạo đức cách mạng, về tinh thần “cán bộ là đầy tớ nhân dân”, “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”… cho toàn thể cán bộ công chức tỉnh Bạc Liêu nghe. Trong lòng tôi, ông là người rất đáng kính trọng, lời ông nói ra là “khuôn vàng thước ngọc” để lớp trẻ noi theo. Đùng một cái, báo chí phát hiện một sự thật quá phũ phàng bấy lâu nay được che đậy bằng những lời đạo đức hoa mỹ làm cho tôi choáng váng, nói như ông Trần Quốc Thuận (Phó Văn Phòng Quốc Hội) thì phải gọi bằng cụm từ “đạo đức không thật” (Báo Pháp Luật Tp.HCM). Cái đáng sợ không phải là vài hec-ta đất công, vài căn nhà công vụ bị mất; mà cái đáng sợ nhất là người ngay không dám tố cáo kẻ gian vì “vàng thau lẫn lộn”, không biết ai đạo đức thật đáng tin tưởng để “chọn mặt gởi vàng” và ai “đạo đức không thật”; tố cáo nhầm chổ thì chẳng khác nào “trao duyên nhằm tướng cướp”, tự mình đưa cổ mình cho người khác “cứa”. Người tốt lại phải bán tín bán nghi mỗi khi nghe có ai đó hô hào vì nước vì dân, chống tiêu cực, tham nhũng… Cái tác hại lớn nhất, nguy hiểm nhất của thói “đạo đức không thật”, lời nói không đi đôi với việc làm này làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào cán bộ lãnh đạo. Nhà nước XHCN Việt Nam là Nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, cán bộ Nhà nước là người đại diện cho Nhà nước thực thi nhiệm vụ quản lý, điều hành xã hội. Vì vậy, dân không tin cán bộ, không ủng hộ cán bộ thì Nhà nước sẽ bị suy yếu; cán bộ không gần dân, không nghe dân thì Nhà nước không còn là Nhà nước của dân nữa.
Một thực tế không thể chối cãi là người bị tố cáo, người bị chỉ ra những việc làm sai luôn luôn là người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy Đảng và Nhà nước nên khi bị vạch mặt thì họ một là mượn tay pháp luật để trấn áp, hai là lợi dụng chiêu bài “nguyên tắc Đảng”, “phản Đảng”, “phản động”… để trấn áp tinh thần “kẻ to gan” nhằm bịt mồm dư luận. Tố cáo kẻ xấu, chỉ ra cái xấu nhằm làm trong sạch xã hội, trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước nhưng kẻ xấu không bị điều tra, kiểm tra; ngược lại, chính người tố cáo, người nói thẳng lại bị điều tra, kiểm tra, vặn vẹo đủ điều. Tình trạng này làm cho không ít cán bộ cấp dưới không dám tin tưởng tuyệt đối vào cấp trên, không ít người dân không dám tin tưởng vào cán bộ; từ đó làm cho Đảng và chính quyền xa dân, đây mới thật sự là một nguy cơ đe dọa sự vững chắc của Nhà nước XHCN Việt Nam và Đảng cầm quyền.
“Đạo đức không thật” không phải chỉ đơn thuần là “miệng Nam Mô một bồ dao găm”; miệng hô hào chống tiêu cực, tham nhũng mà sau lưng thò tay nhận của bất chính; mà còn là hành vi ra vẻ thanh cao bàng quang đứng ngoài cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng của toàn xã hội, vì đó cũng là hành vi tiếp tay cho tiêu cực, tham nhũng, dân gian gọi đó là “ngậm miệng ăn tiền”. “Đạo đức không thật” còn là biểu hiện của việc tuy luôn nói lời tâm huyết vì nước vì dân nhưng mắt không dám nhìn vào sự thật, tai không dám nghe lời nói ngay thẳng thì cái tâm huyết vì nước vì dân ấy phỏng có thực hiện được hay chỉ là lời nói suông cho vui cửa miệng, hay chỉ để góp phần huyên náo trong phong trào chống tiêu cực, tham nhũng đang phát triển mạnh mẽ trong nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trung ương?


Củng cố lòng tin của người dân vào Đảng và Nhà nước XHCN:


Chuyện xưa kể rằng: Họ Tử Xa có con lợn nái sắc đen tuyền đẻ một lứa ba con, hai con đen tuyền, một con loang lổ. Lợn nái nuôi hai con lợn con giống mình rất chăm chỉ cẩn thận, hơi một tí cũng lo sợ. Còn con lợn loang lổ khác mình thì ghét bỏ, sau cắn chết xé cả gan ruột nát nhừ mới thôi.
Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc bàn rằng: “Thói thường, đồng chủng đồng tông, hay đồng tình, đồng chí thì ưa nhau, mến nhau, còn ngoại giả, thì đem bụng ngờ vực, ghen ghét, coi người ta như cừu địch cả, thực là hẹp hòi đáng tiếc. Người quân tử không bao giờ lấy cái hình sắc khác nhau mà thành bụng yêu hay sinh bụng ghét, lại nhất là, không lấy cái tư tưởng thế lợi trái nhau là lúc hợp, lúc ly, lúc thân, lúc sơ, lúc thề ước, lúc tàn hại nhau bao giờ. Người ta tuy không cùng nòi giống, cùng tư tưởng, cùng chí hướng với mình, nhưng người ta là hạng quang minh chính đại, mình cũng nên có lòng thân yêu, có lượng cao cả để đối với người ta thì mới đáng gọi là yêu đồng bào và trọng nhơn đạo. Nếu không thì tâm thuật lợn nái mất rồi!”.
Cho nên, làm lãnh đạo thì phải biết lắng nghe, cho dù đó là lời nói của người ngoài, cho dù đó là lời nói không êm tai; “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”, phải dũng cảm nhìn nhận thiếu sót để khắc phục, sửa chữa, hoàn thiện mình tốt hơn, xứng đáng với vị trí của mình hơn. Cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn tâm niệm rằng mình là người được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thay mặt Đảng, thay mặt Nhà nước điều hành công việc của Đảng, của Nhà nước, phàm làm việc gì cũng phải tuân thủ theo pháp luật của Nhà nước, Điều lệ, nguyên tắc, Nghị quyết… của Đảng; chớ bản thân mình không phải là Đảng hay Nhà nước mà tự cho mình có quyền ra lệnh miệng theo ý thích của mình theo kiểu “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, “lợn nái cắn lợn con” vì “lợn con” khác “màu lông” với mình.
Gấp rút xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, trong đó mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, bất cứ cơ quan, tổ chức chính trị nào cũng phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật quy định; Nhà nước điều hành và quản lý xã hội bằng pháp luật một cách công khai, minh bạch. Xử lý sự việc phải tuân theo pháp luật và các quy định thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác của cấp dưới không được trái với văn bản cấp trên; Nhà nước Việt Nam là thống nhất, Đảng Cộng Sản Việt Nam là thống nhất, các địa phương không được tự mình đẻ ra quy định riêng của mình theo kiểu cát cứ, lãnh chúa, tự trị… ngày xưa; làm cho người dân cảm thấy mình bị đối xử bất bình đẳng, bị hạn chế các quyền công dân mà Hiến pháp đã công nhận. Không nên vì có người chỉ ra cái sai của mình, nói trái ý mình mà vội chụp cho họ cái mũ “phản Đảng”, “phản động”, “phản bội Tổ quốc”, v.v…
Dân gian có câu “Chín người mười ý”, tức mọi người dù không hề có mâu thuẫn đối kháng gì với nhau nhưng cũng không bao giờ đạt được cái gọi là “thống nhất 100%”, nếu có thì chỉ là giả dối, “bằng mặt không bằng lòng”. Tất cả sự vật trên đời đều là tương đối, không có gì tuyệt đối, xã hội nào cũng có người giàu kẻ nghèo, cũng có bất công, bất bình đẳng. Đánh giá một hình thái kinh tế xã hội tiến bộ hay không tiến bộ thì chỉ căn cứ vào việc tầng lớp người nghèo chiếm đa số hay thiểu số, sự bất công, bất bình đẳng ít hơn hay nhiều hơn mà thôi; chớ không thể đòi hỏi có một xã hội không có người nghèo, không có bất công, tất cả đều bình đẳng tuyệt đối. Cũng như không thể có một xã hội mà mọi công dân đều có ý thích, suy nghĩ, nhận thức giống như nhau; điều quan trọng mà người lãnh đạo cần quan tâm là những thành viên xã hội khác nhau về tư tưởng ấy có hướng tới một mục đích chung là xây dựng đất nước trở nên hùng cường, giàu đẹp hay không. Người lãnh đạo cũng giống như người thuyền trưởng điều khiển, chỉ huy con tàu đi đúng hướng giữa biển khơi. Nếu người lãnh đạo mắt chỉ thích nhìn thấy cảnh tượng đẹp, tai chỉ thích nghe lời nói ngọt theo ý mình thì chẳng khác nào tự nguyện bị bưng tai, bịt mắt; một con tàu có người thuyền trưởng mắt không thấy, tai không nghe thì thử hỏi có thể chỉ huy con tàu cập bến bờ mong muốn được hay không?
Người xưa có câu: “Quân minh thần lương. Phụ từ tử hiếu” (Vua sáng mới có bề tôi ngay thẳng, giỏi giang; cha hiền mới có con hiếu). Vua u tối không bao giờ có bầy tôi giỏi, nếu có thì họ cũng treo ấn từ quan về vui thú điền viên vì không chịu nổi bọn xu nịnh a dua cận kề nhà vua. Cha mẹ lừa đảo, lưu manh sao có thể dạy dỗ con sống lương thiện, thẳng ngay. Cho nên, phải cương quyết chống thói “đạo đức không thật” của hàng ngũ cán bộ lãnh đạo, lời nói phải đi đôi với việc làm, đã hứa điều gì thì phải cương quyết thực hiện đến cùng chớ không được hứa nhăng hứa cuội, hứa cho qua; vì như vậy sẽ làm mất lòng tin của dân, tạo nên một xã hội mà từ trên xuống dưới đều nói dối. Cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo phải treo gương liêm khiết, ngay thẳng, công bằng, sống trung thực, giản dị làm cho người dân ngưỡng mộ, kính phục, tự giác noi theo thì xã hội mới thật sự thái bình thịnh vượng.
Xử lý tiêu cực, tham nhũng phải thật sự nghiêm khắc, đúng pháp luật, chớ không được làm theo kiểu “giơ cao đánh khẽ” như vụ án ở Đồ Sơn, không có tác dụng trấn áp, ngăn chận, phòng ngừa tham nhũng mà chỉ làm cho nhân dân thêm phẫn nộ và mất lòng tin vào bộ máy công quyền. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói cần phải xây dựng Luật phản biện xã hội, phải công khai, minh bạch: “Đã là chính trị thì phải danh chính ngôn thuận, không thể cứ cần trốn tránh thì chạy về bên Đảng”. Vị Tổng Thống tài ba đã vực dậy nước Nga bên bờ vực thẳm đứng lên ngang hàng các cường quốc thế giới, ông Vladimir Putin, nói: “Làm lãnh đạo không được hèn nhát”. Trong công cuộc chống tham nhũng hiện nay, không có chổ cho những người lãnh đạo hèn nhát “nói một đường làm một nẻo”, bị phát hiện sai phạm thì quanh co đổ lỗi cho Đảng, cho cấp trên, cấp dưới, đổ lỗi khách quan, chủ quan, v.v…
Trong các Nghị quyết của Trung ương Đảng cũng chỉ rõ tham nhũng là một trong số bốn nguy cơ đe dọa chế độ XHCN ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước thành lập Ban Chỉ đạo chống tham nhũng, quyết tâm chống tham nhũng đến cùng, mọi người ai ai cũng nhận thức rõ bộ mặt của tham nhũng; đó là chúng ta có yếu tố thuận lợi về mặt “thiên thời”. Ngày nay, trình độ dân trí nâng cao, mọi người hiểu biết và nắm chắc các quy định pháp luật hơn, biết lên án cái xấu và biết cách dùng công cụ pháp luật và các phương tiện thông tin đại chúng đấu tranh chống cái xấu; cán bộ - nhân dân chống tham nhũng (cho dù hiện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn) được sự ủng hộ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước cấp cao. “Công dân dũng cảm” Đinh Đình Phú vui mừng nói: “Cuộc chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước sẽ thắng lợi dưới sự chỉ huy của vị Tổng tư lệnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Tổng Tư lệnh, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng...”; đó thuận lợi về mặt “địa lợi”. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đồng lòng cùng chung một lý tưởng, một quyết tâm đoàn kết cùng nhau chống tiêu cực, tham nhũng để xây dựng một đất nước “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; đó là thuận lợi về mặt “nhân hòa”. Đạt được ba điều kiện: thiên thời, địa lợi, nhân hòa thì cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng sẽ thắng lợi, việc lấy lại lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ở nước ta là điều không quá khó.

Tạ Phong Tần 14.11.2006

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen