Seiten

Montag, 9. Dezember 2013

Vô cảm - Tại sao?

Hình ảnh cậu con trai phớt lờ lời cầu xin của người mẹ già, thản nhiên xem vô tuyến, mặc mẹ quì gối chắp tay lậy con - Một xã hội đang xuống cấp về đạo đức? (Hình minh họa từ Internet)

Khi con người ta sống ích kỷ, chỉ nghĩ về mình thì hay hành động không suy nghĩ, cốt sao vơ về cho bản thân mà thờ ơ với mọi thứ xung quanh. Đó là nguyên lý chung trong sách vở, nhưng đúng như những gì NN tâm sự. Khi mà lòng tốt bị lạm dụng, niềm tin bị mất đi, nỗi sợ hãi bị xâm phạm trước bạo lực lan tràn, thì dần dà con người ta sẽ trở thành "vô cảm".
Thực ra, TSB ít va chạm nhiều với những gì Bạn kể, vì mình ở nước ngoài. Nhưng đọc báo và nghe mọi người kể mà thấy sợ và lo lắng cho tương lai con cháu việt sau này.
Nghe Thanhthuoc kể lại, mình thấy ở VN chuyện"lạm dụng" có lẽ thành "hệ thống" từ trên xuống và "rộng khắp". Từ chuyện kêu gọi quyên góp ủng hộ các loại như: Vì người nghèo, giúp đỡ dân vùng sâu, vùng xa, làm nhà tình thương cho mẹ liệt sĩ, giúp trẻ dị tật, chữa tim cho trẻ em, hỗ trợ trẻ em vượt khó, nạn nhân lũ lụt, nạn nhân chất độc mầu da cam .v..v... nhiều vô kể và XUYÊN SUỐT NĂM luôn. Người có tiền ủng hộ dài dài cũng thấy nản, chưa nói người kiếm tiền chật vật. Không đóng thì bị chửi là "ky", mà đóng thì khổ nhà mình trước, con cái mình khổ trước. Chưa nói có khi họ hàng mình gặp khó, mình còn chưa giúp nổi. Nên họ đành "vô cảm!"

Bên này ko có chuyện đó! Những trợ cấp thường nhật của xã hội cho người nghèo, trẻ em bất hạnh…. thì các địa phương phải cùng nhà nước gánh chịu, chi phí lấy từ ngân sách thuế. Như vậy, các địa phương mới giám sát chặt việc thu thuế người giầu, giúp được người thực sự khó khăn, vì họ phải nắm rõ nhân khẩu trong địa phương mình. Nếu có chuyện cấp bách xảy ra do ko lường trước được như lũ lụt, thiên tai….thì nhà nước cho 1 phần, ngân sách địa phương chịu 1 phần, còn các hội nhà thờ sẽ kêu gọi quyên góp cứu trợ từ thiện, nhưng tùy tâm, ko bắt buộc và ko qui cho từng cơ sở làm ăn như ở VN.
Mọi chuyện ở đây là tự do hoàn toàn. Ngay cả việc các cháu tham gia các kỳ thi kiểm tra sức học hay thi học sinh giỏi. Cháu nào thích thì tự đăng ký xin thi, không thích thì kể cả giỏi mà không tham gia cũng chẳng sao. Không có chuyện thầy cô chọn và „bồi dưỡng“ trước như ở VN. Làm như vậy mọi cái đều ko thực! Nên những trò học dốt thì mua điểm. Bố mẹ tặng quà thầy cô giáo theo kiểu đút lót, để con mình được "nương nhẹ", cho điểm cao....Bằng cấp, đề thi…. được mua bán, trao đổi  lung tung....

Chùa chiền thì dần dần như chốn buôn tiền! Ai vào cũng phải „đặt lễ“ thì „sư“ mới „thỉnh“. Ngày TSB còn bé, nhớ là theo mẹ lễ chùa chỉ có nải chuối xanh vườn nhà và nén nhang...nhà chùa tĩnh lặng thanh vắng. Giờ có dịp về VN đi lễ chùa, tự dưng mất hết cả sự linh thiêng nhà Phật. Gì mà „chợ hóa“ từ tít xa hàng cây số tới tận cổng chùa. Vào trong thì toàn thấy các chậu đựng tiền to như cái thúng....Lễ đặt lên chưa kịp thắp nhang đã có người đeo băng đỏ tới rút mất tiền lễ ( Đi chùa Quán sứ và Phủ Tây hồ Hà nội vào dịp rằm tháng 7.2001). 

            Lễ hội Trà Thái Nguyên 2013 quá tốn kém, phô trương trong khi dân miền trung đói rết vì lũ 

Nếu Các địa phương và nhà nước lược bỏ bớt những „lễ hội“ quá phung phí, và các công trình xây dựng nào không cần thiết phải quá sang trọng, to lớn đi thì con dân đỡ khổ nhiều. Trách cá nhân những kẻ trấn lột, cướp giật, lừa đảo.....là không công bằng! Nếu cấp cao trong sạch, không „lạm dụng“ ngân sách nhà nước và không „móc túi“ dân trong mọi hình thức, làm việc hết lòng vì dân thực sự. Nếu nhà giáo sống được bằng đồng lương. Nếu công an, phòng thuế làm đúng chức năng, phận sự, không lạm quyền, hà hiếp dân. Nếu cán bộ các địa phương thực sự do dân bầu ra, ăn tiền lương từ thuế của dân mà ko làm được việc, dân có quyền lôi cổ xuống. Giá mà đám con ông cháu cha ra ngoài cũng bị đối xử như con dân đen, không nhân nhượng, nương tay. Giá mà cán bộ cao cấp làm gì vi phạm pháp luật, thì phải chịu hình phạt nặng gấp hai lần người thường vì „đã biết luật mà còn phạm luật“.....Giá mà y bác sĩ trong bệnh viện là những con người có lương tâm, y đức thực sự.....Giá mà những kẻ giầu có ở VN kiếm được đồng tiền khó khăn như các triệu phú bên này, làm việc 15 đến 20 giờ mỗi ngày và phải thực sự tiết kiệm từng phút để làm ra của cải phục vụ xã hội.....Giá mà..... Ôi! Nếu được như thế thì đâu có ai dám ăn cắp? Trấn lột? cướp giật hay lừa đảo nữa?....Trẻ con tới trường bình đẳng như nhau, thầy cô ko cần biết nhà cháu nào giầu nghèo....đúng học lực mà phê. Xã hội ko có gương xấu từ trên xuống và pháp luật thực sự công bằng, nghiêm minh, được tôn trọng.....Liệu còn ai dám làm càn nữa?
Còn bây giờ, tin vào đâu? Càng tốt, càng sạch, càng nghèo, càng bị lép vế....Thấy người trên ăn cắp lớn ko bị tội, hay chỉ bị tội nhẹ, thì họ ăn cắp nhỏ cho đỡ thiệt thòi. Người có lòng tốt bị lạm dụng nhiều quá cũng chán, nên lòng tốt dần dà bị thui chột mất. Chỉ còn lại những kẻ „ăn cắp“ hay „buôn lậu“ hoặc „ trốn thuế“….thu nhiều tiền vào tay quá nhanh và nhẹ nhàng mới bỏ ra tiền tỷ để „mua danh“ mà thôi. Số doanh nhân thành đạt bằng mồ hôi nước mắt chắc chắn là ít, và khi phải bỏ tiền ra, họ cũng xót đỏ con mắt.  

Thật đáng báo động cho xã hội VN!!!


Tôi nghĩ, mỗi người hãy gắng sống cho chân tình. Cố gắng lấy thiện trị ác. Biết quan tâm tới mọi người chung quanh và cùng tham gia vào các phong trào xã hội, để dẹp bỏ dần những điều xấu xa, ngang trái. Tôi vẫn tin, trong mỗi một con người dù có lúc phạm tội, trong họ vẫn ẩn chứa chất thiện....Nếu được gợi đúng, cái thiện trong họ trỗi dậy, họ sẽ lại là con người tốt. 
Hãy có lòng tin nhưng đừng mê muội để bị lợi dụng. Hãy chân thành và tỉnh táo, để nhận biết đâu là „lẽ phải“, chớ a hùa „ném đá“ vô tình hại người ngay. Hãy biết yêu thương chia sẻ bằng tấm lòng nhân phù hợp với hoàn cảnh của mình! Được như vậy, bản thân sẽ thấy an lòng và thanh thản.

TSB

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen